Thứ Bảy tuần trước (22/2), bà Yingluck Shinwatra đã tới Rayong để viếng một sĩ quan cảnh sát, người đã thiệt mạng trong một cuộc đàn áp người biểu tình tại cầu Phan Fah Lilat hôm 19/2. Chuyến đi của nữ thủ tướng tạm quyền không được biết tới rộng rãi, ngoài trừ một vài bức ảnh được đăng trên trang Facebook của bà.
Khoảng 8h30 cùng ngày, sau một vụ tấn công lựu đạn gần Big C Ratchadamri, khiến 2 em nhỏ thiệt mạng, bà đã đăng một thông báo trên Facebook để lên án vụ việc cũng như gửi lời chia buồn tới các nạn nhân. Một thông báo bằng phiên bản tiếng Anh đã được đưa ra khoảng 10 phút sau đó.
Theo cách nào đó, thật bất thường khi một lãnh đạo đất nước sử dụng mạng xã hội để đưa ra một tuyên bố trong thời điểm khủng hoảng. Bà Yingluck đã bị chỉ trích vì "điều hành đất nước thông qua Facebook."
Tuy nhiên, thông báo trên Facebook của nữ thủ tướng tạm quyền Thái Lan đã làm giảm cơ hội để xảy ra sai lầm và đối đầu, bất kể mức độ mà bà có liên quan.
Bà Yingluck xuất hiện trước công chúng một lần nữa sau khi bà rời khỏi Bangkok. Giới truyền thông đi theo bà tới Saraburi và sau đó tới phía Bắc, thành trì của đảng Pheu Thai, bao gồm cả quê hương của bà, Chiang Mai.
Vào hôm thứ Năm (27/2), lãnh đạo PDRC Suthep Thaugsuban đã thách thức bà tham gia đàm phán tay đôi, trực tiếp trên truyền hình, nhằm chấm dứt bế tắc chính trị tại Thái Lan. Cánh phóng viên cũng theo chân bà tới Chiang Mai để ghi lại phản ứng của bà.
Ngoài ra, tổng thư ký của thủ tướng Thái Lan Suranand Vejjajiva đã đăng một "bản dịch không chính thức" về phản ứng của bà Yingluck trước lời thách đấu của ông Suthep trên Facebook, và đã chia sẻ nó trên Twitter.
Trên Twitter, một vài người đã yêu cầu Suranand làm rõ những gì được đăng lên và ông đã trả lời. Trên Facebook, có khoảng 2.000 "like" (lượt thích) cho bản tiếng Thái và hơn 400 "like" cho bản dịch tiếng Anh.