Trong số người thiệt mạng này có một cảnh sát bị bắn vào đầu. Hơn 184 người biểu tình cũng bị bắt giữ.
Thêm phức tạp tình hình là việc Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) thông báo Thủ tướng Yingluck sẽ bị truy tố với tội danh lơ là trách nhiệm liên quan tới chương trình trợ giá gạo ở nước này. NACC đã triệu tập bà tới để nghe các cáo buộc vào ngày 27-2.
Theo giới quan sát, chưa rõ NACC sẽ cần bao nhiêu thời gian trước khi có thể ra phán quyết về vấn đề này. Nếu NACC tìm thấy căn cứ để kết tội, án sẽ được đưa ra thượng viện hoặc tòa hiến pháp và bà Yingluck sẽ bị phế truất khỏi vị trí thủ tướng hiện tại.
Chương trình trợ giá gạo đang là tâm điểm của phe biểu tình khi cáo buộc chính quyền tham nhũng và làm cạn kiệt nguồn lực của ngân sách trong khi thóc, gạo tồn hàng đống trong kho.
Trước đó, theo AFP và Reuters, tiếng súng và tiếng nổ đã làm rung chuyển khu vực cầu Phanfa gần khu vực phố cổ ở Bangkok, nơi có nhiều điểm thu hút khách du lịch.
“Một cảnh sát thiệt mạng và 14 cảnh sát khác bị thương” - cảnh sát trưởng cảnh sát hoàng gia Adul Saengsingkaew nói với Reuters. Cảnh sát nói họ bị một tay súng bắn tỉa và đạn M-79 cũng được sử dụng để tấn công họ.
Trung tâm cứu thương Erawan nói có 64 người bị thương cả thảy. Lực lượng an ninh nói có 15.000 cảnh sát đã được triển khai cho chiến dịch dẹp người biểu tình để lấy lại khu tòa nhà làm việc của thủ tướng cũng như là khu tổ hợp tòa nhà chính phủ ở phía bắc.
Bà Yingluck đã không thể làm việc trong văn phòng của mình suốt nhiều tháng nay vì các cuộc biểu tình này.
Các vụ đụng độ diễn ra sau khi cảnh sát chống bạo động với gậy, lá chắn và mũ bảo vệ xông vào để giải tán các điểm biểu tình. Trước đó người biểu tình đã từ chối yêu cầu của cảnh sát rút lui khỏi văn phòng thủ tướng. Một ngày trước đó, để củng cố khu vực chiếm đóng, người biểu tình đã đổ ximăng dựng quanh khu dinh thủ tướng.
“Chính phủ không thể làm việc tại đây nữa - Akanat Promphan, một người phát ngôn của lực lượng biểu tình, nói - Các vụ bắt bớ sẽ không gây ảnh hưởng. Ý chí của mọi người vẫn mạnh mẽ. Chính phủ đang bị bao vây và không có lối nào thoát cả”.
Theo báo chí Thái Lan, có khoảng 150 người biểu tình đã bị bắt tại khu Bộ Năng lượng với tội danh vi phạm lệnh tình trạng khẩn cấp. Đây là lần đầu tiên có nhiều người biểu tình bị bắt kể từ khi chiến dịch biểu tình chống bà Yingluck bắt đầu cách đây ba tháng. Người biểu tình hiện vẫn đang yêu cầu bà Yingluck và chính quyền của bà phải từ chức.
Ít nhất đã có 13 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương kể từ khi các đợt biểu tình cách đây ba tháng. Người biểu tình đã tìm cách chặn các nút giao thông chính ở Bangkok với mục đích “đóng cửa” thủ đô Thái Lan nhưng số lượng người biểu tình đã giảm đi nhanh chóng trong mấy tuần gần đây. Cho đến giữa buổi chiều 18-2, cảnh sát đã rút khỏi các khu biểu tình và đường phố đã yên tĩnh trở lại.