Một trong những câu chuyện gây kinh hoàng nhất mà Ủy ban điều tra về Triều Tiên ghi nhận được là kí ức về các trại tù chính trị “kwanliso”, gợi lên những chương đen tối nhất của lịch sử thế giới.
“Một trong những nhân chứng từ các trại giam này đã nói với chúng tôi rằng nhiệm vụ của anh ta là tập trung những thi thể người bị chết vì đói, đặt họ trong một chiếc cái bình lớn và sau đó hỏa thiêu” - AFP dân lời chủ tịch ủy ban điều tra của LHQ, ông Michael Kirby.
Do bị Bình Nhưỡng cấm nhập cảnh nên báo cáo của ủy ban dựa trên các thông tin từ những buổi điều trần công khai của 320 người Triều Tiên lưu vong - bị Bình Nhưỡng gọi là “cặn bã của loài người”.
Nhiều người còn lo sợ, chưa dám lên tiếng vì e ngại những sự trả thù của chính quyền đối với người thân, hoặc Triều Tiên đã từng có tiền lệ bắt cóc lại những người đào tẩu từ đất nước mà họ đã tưởng là thiên đường.
Chính quyền Bình Nhưỡng phủ nhận sự tồn tại của các khu trại tù chính trị, nhưng báo cáo của ủy ban điều tra bác bỏ lời chống chế này, dựa trên những lời khai của chính cựu tù nhân, cai ngục, hàng xóm cùng các hình ảnh vệ tinh.
Học sinh bị buộc chứng kiến tử hình công khai
Khoảng 80.000 đến 120.000 người được cho là đang bị giam giữ tại các khu trại tập trung ở Triều Tiên, trong đó gồm nhiều thế hệ gia đình bị bắt vì các cáo buộc tội phạm chính trị, theo luật lệ kết tội tập thể ở nước này.
Báo cáo cũng cho biết hàng trăm ngàn người khác được cho là đã thiệt mạng trong các khu trại này từ hơn nửa thế kỉ qua, qua những biện pháp như cố tình bỏ đói, lao động khổ sai, tra tấn, hành quyết.
Tù nhân được xem là đối tượng để thực hành võ thuật, tù nhân nữ bị cưỡng ép phá thai nếu họ mang thai. Báo cáo cũng cho biết các tù chính trị bị thiệt mạng trong những cuộc thử nghiệm y học để kiểm tra tác động của vũ khí hóa học và sinh học.
Ủy ban cho biết không có khả năng xác minh tính đúng đắn những lời khai trên. Tuy nhiên họ khẳng định có bằng chứng rõ ràng về việc phụ nữ bị cưỡng chế tiêm hóa chất vào vùng kín để ép phá thai.
Theo báo cáo, đối với người dân sống ngoài các trại tù thì tử hình công khai và nỗi lo sợ bị bỏ tù là công cụ để “khủng bố” dân chúng.
Cuộc sống thường nhật của họ liên tục bị “giám sát, đe dọa, sợ hãi, trừng phạt để ngăn cản bất kỳ biểu thị bất đồng nào”. Việc xử tử hình công khai được thực hiện bằng súng máy, toàn bộ các trường học đều được huy động chứng kiến cảnh man rợ này.
“Khi chỉ mới 9 tuổi, ông Kim Hyuk lần đầu tiên bị ép buộc chứng kiến buổi hành quyết công khai” - báo cáo viết.
Một nhân chứng khác, Choi Young-hwa, khi chỉ mới 16 tuổi đã buộc phải chứng kiến cảnh một quản lí xưởng bị bắn vì tình nghi “gián điệp” do hiệu quả kinh tế ảm đạm.
“Ông ấy nhớ lại rằng lúc đó đã vô cùng sợ hãi vì bất kì ai cũng có thể trở thành nạn nhân của những vụ hành quyết như vậy” - báo cáo viết.