Báo Nga: Mỹ có kế hoạch A, B, C để khiến Ukraine chống lại Nga

Tiêu Giang |

(Soha.vn) - Theo trang quân sự Nga, một trong những lý do Mỹ can thiệp vào Ukraine là nhằm chứng minh rằng Nga là nước phi dân chủ, chà đạp nhân quyền, còn Mỹ mới là thiên đường.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nucland từng thông báo trong một cuộc họp rằng, từ năm 1991, Mỹ đã đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Ukraine, một trong những quốc gia có tầm quan trọng chiến lược nhất đối với Mỹ nhưng không phải để xoá đói giảm nghèo.

Trước đó vài ngày, cuộc điện đàm (được cho là bị tình báo Nga nghe lén) giữa bà Nucland, người nổi tiếng với lập trường chống Nga, và Đại sứ Mỹ tại Kiev đã bị tiết lộ. Trong cuộc nói chuyện, bà Nuland đã mạnh mẽ chỉ trích Liên minh châu Âu EU vì không thể lật đổ chính quyền Ukraine và thông báo về việc sẽ lợi dụng sự hiện diện của LHQ để thành lập nội các mới tại nước này.

Theo môt bài phân tích mới được đăng tải trên trang quân sự Topwar, tất cả điều này cho thấy Washington đứng sau cuộc đảo chính chống lại chính quyền hợp pháp của ông Viktor Yanukovych, người được bầu làm Tổng thống năm 2010.

Bài viết cho rằng, thực tế, trong các kế hoạch can thiệp vào Ukraine nhằm phục vụ cho các lợi ích của mình, EU đang che giấu người nước này nhiều sự thật. Thứ nhất, EU không mong muốn Ukraine là thành viên của khối mà chỉ muốn có một thoả thuận tự do thương mại - một thoả thuận sẽ phá hoại nền kinh tế Ukraine, quốc gia sở hữu ¼ trữ lượng đất đen của thế giới, cũng như trữ lượng lớn than đá, uran và quặng sắt.

Thứ hai, ở thời điểm hiện tại, khi Ukraine rơi vào khủng hoảng thì EU cũng không quan tâm tới sự gia nhập của nước này. Nếu kết nạp Ukraine thì các nước khác như Georgia, Azerbaijan and Moldova cũng có thể gia nhập EU.

Thứ ba, không thể nhìn thấy triển vọng về kinh tế hay quyền lợi về chính trị nào ở những nước như Rumani, Bulgary, dù đã gia nhập EU. Thậm chí, nó còn tồi tệ hơn 40 năm trước. Bulgary từng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng hiện nền kinh tế nước này lại rơi vào tình cảnh ảm đạm tới mức hàng nghìn chuyên gia lành nghề của họ buộc phải di cư. Còn nước này hiện nay sống hoàn toàn dựa vào nhập khẩu và đang mang một món nợ khổng lồ.

Trong khi đó, Belarus, Kazakhastan và Nga gia nhập Liên minh Thuế Quan và tỉ lệ nghèo khổ, thất nghiệp chỉ còn 2%. Các dịch vụ giáo dục, y tế đều miễn phí và được phổ cập.

Cuối cùng, theo bài báo, cả Brussels và Washington đều ủng hộ cho các lực lượng cánh hữu phản động, các nhóm mang tư tưởng phát xít tại Ukraine (giống như họ từng ủng hộ cho Taliban và Al Qaeda trước đây), thậm chí là cả tư tưởng chống Do Thái, cáo buộc chính quyền là "con rối trong tay những tên xã hội đen Do Thái gốc Nga". Từ tháng 12 năm ngoái, các đảng Cộng sản của các nước thuộc Xô Viết cũ đã lên tiếng cảnh báo về mối nguy hiểm của các phần tử phát xít tại Ukraine.

Tác giả bài viết nhận định, kiểm soát Ukraine là mục tiêu chính của Mỹ. Những động thái can thiệp của Washington vào các vấn đề nội bộ của Ukraine là nhằm ngăn cản thành lập một Cộng đồng kinh tế Á Âu của Nga mà hạt nhân là Ukraine; kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Moscow tại các khu vực từng thuộc lãnh thổ Liên Xô cũ, nhất là đối với khu vực Á - Âu và Trung Á; làm suy yếu Nga để nước này không thể chống lại Mỹ tại các khu vực tranh chấp khác; làm cho chính phủ Nga phải căng thẳng với suy nghĩ "Đòn đánh tiếp theo là ở đâu?".

Theo bài viết, đây cũng là động thái nhằm trả thù Putin vì không dẫn độ Edward Snowden, đồng thời làm gián đoạn Olympic Sochi và chứng minh rằng Nga là nước phi dân chủ, chà đạp nhân quyền, còn Mỹ mới là thiên đường - dù cho thực tế rằng chính quyền tại đây đã bắt đầu mục nát.

Bài viết cũng nhận định, việc Mỹ can thiệp vào Ukraine là nhằm củng cố vị thế của mình tại châu Âu mới trong tình hình các quốc gia phương Tây hiện đang không nghe theo yêu cầu của Washington, đồng thời ngăn cản việc thiết lập trục Berlin - Paris - Moscow.

Cũng trong bài viết, tác giả phân tích rằng, để lôi kéo Ukraine vào quỹ đạo của mình, Mỹ đã vạch ra nhiều kế hoạch.

Kế hoạch A là đưa một chính phủ chống Nga lên nắm quyền như là một đối trọng với Moscow và bảo đảm cho Ukraine gia nhập NATO. Cuộc đảo chính trực tiếp chống lại Yanukovych sẽ là cách để thực hiện thành công các nhiệm vụ chủ chốt là thay thế lãnh đạo trong các cơ quan tình báo và lực lượng vũ trang Ukraine và tái định hướng họ theo Lầu Năm Góc.

Kế hoạch B: Nếu chính quyền tương lai không thân Mỹ thì ít nhất nước này cũng sẽ trở thành quốc gia vùng đệm giữa Nga và phương Tây. Mỹ muốn một nước Ukraine yếu và bất ổn hơn là một đất nước hùng mạnh, có quan hệ đối tác với Nga.

Kế hoạch C là kịch bản Nam Tư cho Ukraine, thiếp lập các ranh giới về ngôn ngữ theo chủng tộc (Nga/Ukraine), cơ sở tôn giáo (Công giáo/Chính thống giáo). Nhà nghiên cứu chính trị, chiến lược của Mỹ Samuel Huntington đã viết về vấn đề này năm 1996, căn cứ vào khả năng xảy ra xung đột trong nước giữa người Ukraine ở phía Đông và phía Tây.

Mỹ cũng sẽ có một chính sách mới: Không có sự can thiệp nào và cũng không có một sự rủi ro đáng có nào; khai thác tối đa các lợi ích mà các vấn đề xã hội tồn tại trong khu vực mang lại cho Washington.

Tờ này cho rằng, về phần mình, Nga sẽ không cho phép một chính quyền thân phương Tây xuất hiện tại một đất nước đóng vai trò quan trọng đối với an ninh của Nga. Nga có thể sẽ đáp trả lại sự khiêu khích này đối với mình tại Iran, làm suy yếu thoả thuận lịch sử giữa nước này với Mỹ về vấn đề hạt nhân, hoặc tại Ba Lan và Rumani - nơi phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga.

Thông qua Ukraine, Nga đang mở rộng đường ranh giới trên biển Đen, duy trì căn cứ quân sự của mình (có thể còn là căn cứ không quân) và nhằm tiếp cận với các sản phẩm nông nghiệp phong phú. Tờ này khẳng đinh, điện Kremlin không thể để thua trong cuộc đối đầu này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại