Đất nước này đang đối mặt với tình trạng bạo lực gia tăng khi hai người thiệt mạng và hàng chục người bị thương chỉ trong những ngày qua.
Vào thứ Năm ngày 26/12, Ủy Ban Bầu cử Thái Lan cho rằng nên hoãn bầu cử để đảm bảo an ninh cho các ứng viên. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ tuyên bố rằng việc trì hoãn là không thể vì nghị viện đã giải tán.
Tình hình bạo lực vừa bùng phát tại khu vực sân vận động nơi các ứng viên đăng kí tranh cử vào thứ Năm trước.
Bà Yingluck Shinawatra phải tuyên bố tổ chức bầu cử sớm vì sức ép lớn từ phe đối lập đòi giải tán chính phủ của bà.
Bật đèn đỏ
Một nhóm người biểu tình có trang bị vũ khí đã ném đá và cố gắng tràn vào khu vực sân vận động.
Một cảnh sát và một người biểu tình đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ.
Do lực lượng cảnh sát đã trở nên mất bình tĩnh và có vẻ như bất lực trước các cuộc tấn công, chính phủ đã phải viện đến quân đội để giúp đỡ, phóng viên BBC từ Bangkok cho biết.
Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul cho hay chính phủ sẽ đề nghị quân đội đảm bảo an ninh cho các điểm đăng kí ứng viên vào hôm nay, thứ Bảy ngày 29/12.
“Tôi cũng sẽ đề nghị quân đội đảm bảo an toàn cho công chúng trong cuộc bầu cử vào tháng 2.” Ông tuyên bố trên truyền hình.
Trao đổi với phóng viên vào thứ Sáu, Chỉ huy trưởng Quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha không đề cập đến yêu cầu trên từ chính phủ.
Thay vào đó, ông đề nghị cả hai bên cần kiềm chế vào cảnh báo rằng quân đội đã “bật đèn đỏ cho hai phía nên tình hình sẽ lắng xuống.”
Khi được hỏi về khả năng can thiệp của quân đội, ông để ngỏ câu trả lời.
Quân đội hùng hậu
Lực lượng quân đội nắm trong tay khá nhiều quyền lực tại Thái Lan.
Quân đội đã can thiệp vào nhiều cuộc biểu tình trong quá khứ, và cũng chính lực lượng này đã trục xuất cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – anh trai của đương kim Thủ tướng Yingluck Shinawatra năm 2006.
Sau nhiều tuần biểu tình, bà Yingluck đã phải kêu gọi bầu cử sớm đầu tháng này.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ đã lên tiếng tẩy chay cuộc bỏ phiếu.