Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và quan hệ với Nga

Ông Ashton Carter, người được Tổng thống Barack Obama đề cử giữ vị trí Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thay thế ông Chuck Hagel, là nhân vật có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề quan hệ quốc phòng với Nga từ những năm 1990.

Vậy khi lên giữ chức vị ông chủ của Lầu Năm Góc trong năm 2015 thì quan điểm của ông với nước Nga sẽ như thế nào?

Ngoài việc phải đối mặt với nhiều thách thức, từ dịch bệnh Ebola đến sự hoành hành của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thì câu hỏi lớn được đặt ra là việc ông Carter nắm giữ chức vị cao nhất của Lầu Năm Góc sẽ có tác động như thế nào tới quan hệ giữa Mỹ và Nga.

Điều đặc biệt là ông Carter sẽ nắm vai trò đàu tàu trong việc quyết định liệu Mỹ có mở rộng can thiệp hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Ông Carter đã có nhiều kinh nghiệm trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh với Nga dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton.

Khi đó, ông Carter chủ trương ủng hộ chiến thuật "hợp tác thay cho đối đầu" sẽ giúp Mỹ giải quyết được những thách thức an ninh trên thế giới.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Bill Clinton, ông Carter giữ chức Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề chiến thuật quốc tế nơi ông đã đưa ra đề xuất tới lãnh đạo Lầu Năm Góc, khi đó là ông William Perry, chính sách “phòng thủ ngăn ngừa” đối với Nga.

Vai trò của ông Carter bao gồm việc hình thành những mối quan hệ quốc phòng và tình báo với các nước thuộc Liên xô cũ như Ukraine, Belarus và Kazakhstan.

Việc này bao gồm dự án Nunn-Lugar cho phép Mỹ cung cấp tài chính và hậu cần cho những nước trên đổi lại việc giảm sát và tiêu hủy vũ khí hạt nhân.

Ông Carter nắm rất rõ về cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội của Nga vào những năm 1990 cũng như vai trò của Moskva trên trường quốc tế.

Ông Carter đã đề xuất hình thành nên một hệ thống cảnh báo sớm với Nga, bên cạnh đó ông còn đảm bảo sự tham gia của binh lính Nga trong lực lượng gìn giữ hòa bình Bosnia.

Trong thời kỳ Bộ trưởng quốc phòng William Perry, những nước thuộc khối Đông Âu cũng được khuyến khích trở thành đối tác vì hòa bình với NATO.

Năm 1999, ông Carter và Perry cùng đồng chấp bút cho cuốn sách mang tên “Phòng thủ ngăn ngừa: Chiến thuật an ninh mới cho nước Mỹ” dựa trên những chính sách mà các quan chức này đã tiến hành khi còn nắm quyền và nhấn mạnh việc cần giúp Nga hình thành “vị trí tự tôn trong thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh”.

Năm 2015, thách thức liên quan tới nước Nga mà ông Carter phải đối mặt rất khác biệt.

Nước Nga ngày nay có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên thế giới, không dễ rơi vào tình trạng tê liệt kinh tế hay xã hội và là nước có các đối tác, liên minh trên khắp thế giới, trong đó có các nước thành viên khối BRICS.

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine là thực tế khó khăn mới mà ông Carter phải đối mặt. Câu hỏi được đặt ra là liệu ông Carter có dùng cái gọi là "phòng thủ ngăn ngừa" của những năm 1990 với Nga hay ủng hộ quan điểm cứng rắn với Moskva của Tổng thống Obama.

Việc này sẽ được thể hiện rõ trong thời gian lãnh đạo Lầu Năm Góc sắp tới của ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại