Snowden mắc kẹt, tòa án Mỹ cho phép tiếp tục nghe lén

Một tóa án bí mật ở Mỹ vừa cho phép Chính phủ của Tổng thống Barack Obama tiếp tục được thực hiện chương trình giám sát điện thoại gây tranh cãi từng bị cựu nhân viên tình báo Edward Snowden vạch trần mới đây.

Bất chấp những căng thẳng trong thời gian qua liên quan đến những tiết lộ động trời của Snowden, Tòa án Giám sát Tình báo Đối ngoại Mỹ vẫn đưa ra quyết định trên hôm 19/7 với thời hạn cho phép kéo dài 3 tháng.

“Chính phủ đã nộp đơn lên Tòa án Giám sát Tình báo Đối ngoại đề nghị gia hạn thẩm quyền thu thập khối lượng lớn dữ liệu điện thoại và đã được tòa án chấp thuận”, tuyên bố của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) cho biết.

Cũng theo tuyên bố trên, quyết định này được đưa ra dựa trên việc “xét đến các lợi ích quan trọng của công chúng Mỹ” và việc Giám đốc DNI đồng ý cho giải mật cũng như công khai chương trình nghe lén trên.

Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) sẽ được tiếp tục chương trình PRISM gây tranh cãi trong ít nhất 3 tháng nữa
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) sẽ được tiếp tục chương trình PRISM gây tranh cãi trong ít nhất 3 tháng nữa

Tòa án Giám sát Tình báo Đối ngoại là một tòa án bí mật ở Mỹ, được thành lập từ năm 1978 sau vụ Watergate.

Tuy nhiên, việc Tòa án Giám sát Tình báo Đối ngoại Mỹ ra phán quyết trên vẫn là một động thái chưa từng có tiền lệ, vì nó cho phép chính phủ kéo dài một hoạt động ảnh hưởng đến hàng triệu người dân và gây tác động không nhỏ đến quan hệ đối nội cũng như đối ngoại của siêu cường số một thế giới.

Trong một diễn biến khác, tạp chí Der Spiegel (Đức) hôm 20/7 tiết lộ các cơ quan tình báo Đức đang sử dụng một chương trình theo dõi mật của NSA, gọi là XKeyScore, để hỗ trợ nỗ lực của Mỹ trong việc thu thập thông tin tình báo trên toàn cầu nhằm phát hiện những hoạt động khủng bố khả nghi.

Theo Der Spiegel, NSA đang tiếp cận đến 500 triệu kết nối dữ liệu từ Đức mỗi tháng, phần lớn được thu thập bởi XKeyScore.

Các cơ quan tình báo Đức ngay lập tức đã lên tiếng bác bỏ thông tin nêu trên. Ông Hans-Georg Maassen, Giám đốc Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức, cho biết cơ quan này chỉ thử nghiệm phần mềm do NSA cung cấp nhưng không dùng nó trong công việc thực tế.

Trong khi đó, ông Gerhard Schindler, Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên bang, phủ nhận thông tin đã có hàng triệu dữ liệu được gửi từ Đức sang NSA thông qua cơ quan này mỗi tháng.

Các nghị sĩ Mỹ tại phiên điều trần về các chương trình do thám của chính phủ hôm 17/7
Các nghị sĩ Mỹ tại phiên điều trần về các chương trình do thám của chính phủ hôm 17/7

Còn về phía Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo được mệnh danh là “người hùng thế kỷ 21” vẫn chưa thể chắc chắn tương lai của mình sẽ như thế nào. Hiện tại, Snowden vẫn đang mắc kẹt tại khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo tại Nga.

Có 3 quốc gia đã chấp nhận đơn xin tị nạn của nhân vật này là Venezuela, Nicaragua, Bolivia nhưng dường như Snowden không thể đến được các quốc gia này.

Hộ chiếu của anh đã bị tước khi bị Chính phủ Mỹ khép vào tội phản bội quốc gia. Hộ chiếu quốc tế do các tổ chức nhân quyền cấp không có tính khả dụng với trường hợp này. Trong khi đó, Mỹ không ngừng gây sức ép về kinh tế và ngoại giao lên các quốc gia đồng ý cho Snowden tị nạn.

Gần đây, Snowden đã xin tị nạn tại Nga và cam kết: "không gây hại cho Hoa Kỳ". Nhưng ngày 17/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết quan hệ Nga - Mỹ quan trọng hơn nhiều "cuộc tranh cãi" về hoạt động của nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden.

Gần như Mỹ đã làm mọi cách để Snowden hoặc gắn chặt với sân bay Sheremetyevo, hoặc quay trở lại nước Mỹ. Snowden có thể ở tại khu quá cảnh này trong vòng 10 năm, cũng bằng thời gian bản án mà Mỹ khép cho Snowden nếu bị xử ở nước Mỹ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại