"Nga không phải là mục tiêu duy nhất EU muốn đối phó ở Đông Âu"

Quỳnh Phương |

Chuyên gia chính trị người Đức cho rằng, EU đang cố gắng xây dựng tầm ảnh hưởng của mình ở Đông Âu và Ukraine để đối phó với Nga và cả Mỹ.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Nga Sputnik, luật sư, nhà phân tích chính trị Andreas Wehr cho rằng, EU đang cố gắng biến mình trở thành một đế chế như Mỹ bằng cách gây dựng phạm vi ảnh hưởng của riêng mình ở Đông Âu.

"Phạm vi ảnh hưởng đó ở Đông Âu, ở Ukraine và Belarus và tới một ngày, nó có thể còn bao trùm cả Caucasus".

Theo ông Wehr, ở Ukraine, EU đang quan tâm tới tiềm năng kinh tế cũng như các tuyến đường mà nguồn cung khí đốt của Nga phải đi qua - thứ mà Brussels đang muốn kiểm soát.

Vì thế, châu Âu đang cố gắng giảm bớt vai trò của Nga trong khu vực, nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình.

Song, sự cứng rắn của EU với vấn đề Ukraine còn có một mục tiêu nữa - đó là ngăn chặn Mỹ củng cố vị thế của mình trong khu vực này.

Chuyên gia phân tích chính trị
Andreas Wehr
Mặc dù Brussels và Washington ràng buộc với nhau bằng mối quan hệ hợp tác lâu dài, song nó sẽ chỉ được củng cố khi Hiệp định Đầu tư và Thương mại Quốc tế xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được thiết lập. Quan hệ giữa EU và Mỹ không phải chỉ là đồng minh, mà còn là đối thủ.

Dù vậy, theo ông Wehr, các thành viên EU đang có quan điểm không thống nhất về lập trường mạnh mẽ của Mỹ đối với Ukraine.

Ba Lan và các quốc gia Baltic vốn luôn ủng hộ lập trường của Washington, còn Ý, Hungary, Slovakia và Séc lại tỏ ra hoài nghi. Trong khi đó, Đức và Pháp thì cố gắng thúc đẩy thế cân bằng.

Theo chuyên gia này, Mỹ thực chất đang dùng quân sự để cố gắng giải quyết toàn bộ các cuộc xung đột trên thế giới, còn EU lại không có lực lượng vũ trang của riêng mình và phải phụ thuộc vào Washington.

"Trong trường hợp này, sự phụ thuộc của EU vào Mỹ là tai họa".

Trước đó, hồi tháng Ba năm nay, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã kêu gọi thành lập quân đội chung châu Âu.

"Có quân đội của riêng mình, châu Âu có thể phản ứng lại một cách chắc chắn hơn trước các mối đe dọa tới hòa bình của những quốc gia thành viên hoặc quốc gia láng giềng".

Thêm vào đó, theo ông này, việc thành lập quân đội riêng của EU sẽ "gửi thông điệp tới Nga rằng chúng tôi coi trọng việc bảo vệ các giá trị ở châu Âu".

Dù vậy, đề xuất này chưa thực sự thuyết phục được tất cả các quốc gia thành viên. Phát ngôn viên chính phủ Anh cho rằng phòng thủ là trách nhiệm quốc gia và rằng ông không thấy triển vọng của một lực lượng quân đội chung châu Âu.

Giám đốc Trung tâm Phân tích Địa chính trị châu Âu Mateusz Piskorski nhận định, đề xuất này của ông Juncker có thể còn khiến châu Âu độc lập hơn và giảm sự phụ thuộc của EU vào Mỹ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại