Ngay từ đầu bài viết mới được đăng tải trên tạp chí TIME (Mỹ), ông Bremmer đã chỉ ra vấn đề Washington đang gặp phải.
"Cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà Mỹ đều đang mắc kẹt trong một cuộc đấu về mưu lược với 2 câu hỏi cơ bản: Hoạt động thương mại đó có tốt cho Mỹ hay không? Quốc hội sẽ đóng vai trò gì trong quá trình đàm phán thương mại?".
Ian Bremmer là biên tập viên, chuyên gia bình luận các vấn đề quốc tế của tạp chí danh tiếng TIME. Ông là Giáo sư Nghiên cứu Toàn cầu tại Đại học New York (Mỹ), Chủ tịch Eurasia Group, một tổ chức tư vấn rủi ro chính trị hàng đầu thế giới.
Bế tắc này, theo ông, ít nhất đã khiến Mỹ phải "khuất phục", khi Quốc hội chưa trao cho Tổng thống Obama toàn quyền quyết định ký các thỏa thuận thương mại theo Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong khi đó, về phần mình, Bắc Kinh lại đang tích cực thúc đẩy các thoả thuận thương mại, nhằm "củng cố năng lực định hình trật tự thế giới mới".
"Trong những năm gần đây, một nước Trung Quốc đang trỗi dậy đã sử dụng các ngân hàng phát triển của mình để bắt đầu dần dần làm suy yếu sự thống trị của Mỹ đối với thương mại toàn cầu.
Việc này đã được Bắc Kinh thực hiện thông qua các dự án như Ngân hàng Phát triển Mới trị giá 50 tỷ USD, hay các sáng kiến đầu tư Con đường Tơ lụa trị giá 40 tỷ USD.
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), do Trung Quốc khởi xướng, với mức vốn 100 tỷ USD, bước đầu đã thu hút được cả các đồng minh của Mỹ là Anh, Đức, Pháp tham gia, rồi tiếp đó là tăng cường hơn nữa vai trò của mình khắp châu Á.
Tới cuối tháng 6, Trung Quốc sẽ cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng hàng tỷ USD ở châu Âu.
Theo đánh giá của ông Bremmer, "trong những năm qua, mục tiêu cơ bản của Trung Quốc là đảm bảo tiếp cận nguồn cung lâu dài đối với các hàng hoá cần thiết cho sự tăng trưởng của mình.
Song hiện nay, nước này đã có thêm mục tiêu, đó là thúc đẩy sự liên kết giữa quốc tế với chính sách công nghiệp của mình, liên quan các vấn đề chiến lược như tiêu chuẩn internet và viễn thông, các quy định và cấu trúc tài chính.
Cùng lúc đó, Bắc Kinh vẫn khuyến khích sử dụng rộng rãi hơn đồng Nhân Dân Tệ và tiếp tục làm suy yếu sự thống trị của đồng USD".
Chuyên gia Bremmer thẳng thắn nhận định, trong quá trình này, mới chỉ có Trung Quốc là "quốc gia duy nhất trên thế giới có một chiến lược toàn cầu mạch lạc, chặt chẽ".
Ông này cảnh báo rằng, "chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ trở nên rời rạc nếu nước này không thể có được những sự ủng hộ vững chắc về mặt thương mại - giống như những gì đã làm được khi đưa ra các lệnh trừng phạt".
Và nếu như vậy, "tổn thất của Washington sẽ là lợi ích mà Bắc Kinh đạt được".