Trong một bài viết được đăng tải trên tờ inosmi.ru, Giáo sư Zheng Yongnian, Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore đã đưa ra 5 lý do giải thích cho nhận định rằng, chiến lược "xoay trục về châu Á" của Mỹ có thể đẩy nước này vào con đường tự diệt vong.
Dưới đây là bài phân tích (lược dịch) của ông Zheng Yongnian trên inosmi.ru:
Vài năm trước, Washington đã tuyên bố “xoay trục về châu Á”. Đây không phải là lần đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ nỗ lực “xoay trục về châu Á”.
Dưới thời Tổng thống George W.Bush, khi chính sách đối ngoại của Mỹ do phe tân bảo thủ kiểm soát, Mỹ đã công khai coi Trung Quốc là kẻ thù và lên kế hoạch kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc thông qua “tiểu NATO châu Á”. Tuy nhiên, sự kiện 11/9 đã buộc Mỹ phải chấm dứt kế hoạch này.
Chiến lược "xoay trục về châu Á" được Mỹ tuyên bố vài năm trước với nhiều mỹ từ, thực tế là giai đoạn 2 của kế hoạch này. Tuy nhiên, về lâu dài, chiến lược này có thể gây ra những sai lầm lớn trong chính sách của Mỹ. Những thách thức mà Mỹ phải đối mặt, trên thực tế, không phải tới từ Trung Quốc, mà chính là xuất phát từ điểm yếu của chính mình.
Nếu Washington tiếp tục coi Trung Quốc là kẻ thù, thì Mỹ tất yếu sẽ thiệt hại nặng nề. Nguyên nhân không phải là bởi cuộc chiến giữa hai cường quốc hay do Trung Quốc sẽ đánh bại Mỹ, mà chính là Mỹ sẽ tự đổ vỡ. Đó là bởi 5 nguyên nhân quan trọng dưới đây.
Trước hết, cần phải nhắc tới vị trí chiến lược của Trung Quốc. Mỹ nhiều lần xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược, tuy nhiên khi Trung Quốc vẫn trung thành với nguyên tắc "Thái Cực Quyền", tránh xung đột trực tiếp với Washington. Nếu thay vào vị trí của Trung Quốc là Liên Xô thì quan hệ Trung - Mỹ đã biến thành chiến tranh lạnh từ lâu. Khi Mỹ tìm cách tăng cường mối quan hệ với đồng minh, thì Trung Quốc đã hiểu rõ rằng kế hoạch chiến lược của Mỹ là chống Trung Quốc, và không như Mỹ, Trung Quốc củng cố sức mạnh của riêng mình. Nếu Trung Quốc cũng theo đuổi chính sách về các liên minh như Mỹ, thì chiến tranh đã bùng phát trong thế giới hiện đại.
Thứ hai, “xoay trục về châu Á” đồng nghĩa với việc đưa một lực lượng quân sự đáng kể và chuyển các ưu tiên chiến lược vào khu vực này, cùng với mức chi tiêu khổng lồ không thể tránh được. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ không liều lĩnh đối đầu trực tiếp với Mỹ, ngược lại, còn tuyên bố "thiết lập mối quan hệ cường quốc kiểu mới”.
Chắc chắn rằng, áp lực từ phía Mỹ khiến Trung Quốc phải đầu tư thêm nhiều nguồn lực để hiện đại hóa quân đội, và như vậy thì sẽ gia tăng sự lớn mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự.
Để thực hiện hiện đại hoá quân đội, Trung Quốc cần lấy lý do là môi trường quốc tế "bất lợi" và sự hiện diện của "kẻ thù giả định". Sự hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc như chúng ta thấy hôm nay xuất phát từ 2 yếu tố liên quan tới Mỹ: Chiến tranh vùng Vịnh đầu những năm 90 và cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1996.
Chiến lược “xoay trục về châu Á” của Mỹ đã cho Trung Quốc một hình mẫu rõ ràng hơn về “kẻ thù giả định” và đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa quân đội quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể quay trở về với mô hình mà ở đó, sức mạnh quân sự được xây dựng phù hợp với các nhu cầu cấp thiết, tránh cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ và Nhật Bản.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Thứ ba, để "xoay trục về châu Á", Mỹ nhất thiết phải dịch chuyển các nguồn tài nguyên chiến lược khỏi các khu vực khác, điều này sẽ làm suy yếu nhanh chóng vị thế của Mỹ tại đó. Trên thực tế, việc tương tự đang diễn ra tại Trung Đông, châu Phi, Trung Á, nơi mà ảnh hưởng và uy tín của Mỹ đã không còn được như trước. Trong khi đó, khi mà Washington hạn chế không gian hoạt động ngoại giao của Trung Quốc tại châu Á thì Trung Quốc đang mở rộng chiến lược của mình tới những khu vực Mỹ dần rút lui. Chỉ một bước đi như vậy cũng là góp phần gia tăng vị thế của Trung Quốc.
Thứ tư, cuộc khủng hoảng Ukraine đã đánh dấu sự trở lại của Nga trên đấu trường địa chính trị. Hơn nữa, các sự kiện xảy ra tại Ukraine đã cho thấy mối đe dọa đối với khối liên minh phương Tây, do Mỹ đứng đầu, không phải xuất phát từ Trung Quốc mà từ các cường quốc như Nga. Đương nhiên, Nga không thể ngồi yên quan sát phương Tây xâm phạm những lợi ích địa chính trị của mình. Khi có được những khả năng tương ứng, Nga ngay lập tức có thể sử dụng tất cả sức mạnh của mình để phục dựng lại vị thế đã mất. Trong khi đó, phản ứng của Mỹ và các nước phương Tây tại Ukraine cho thấy họ không có nhiều lựa chọn. Thậm chí, Nga và Trung Quốc dường như còn đang xích lại gần nhau.
Cuối cùng, người Mỹ không hiểu Trung Quốc. Những tính toán sai trong chiến lược của Mỹ xuất phát từ những sai lầm nghiêm trọng của Mỹ. Nhận thức của Mỹ đối với Trung Quốc không dựa trên lịch sử Trung Quốc hay các hoạt động quốc tế của Trung Quốc hiện nay, mà bắt nguồn từ tư tưởng cố hữu của Mỹ. Người Mỹ vẫn tin rằng một quốc gia đang trỗi dậy chắc chắn gây ra những thách thức đối với các nhà lãnh đạo thực sự, và sẽ áp đặt suy nghĩ của mình cho những quốc gia khác.
Không có bằng chứng tin cậy nào cho thấy Trung Quốc biến mình thành mối đe doạ với Mỹ, mà chính bản thân Washington đang lo sợ sự trỗi dậy của Trung Quốc, và nỗi sợ đó có thể thấy ở khắp mọi nơi.
Xem thêm Video: Tổng thống Obama tới Nhật Bản, bắt đầu chuyến công du 4 nước châu Á cuối tháng 4:
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA