Trang svpressa của Nga vừa có bài tổng kết của một số chuyên gia Nga về ảnh hưởng của Chiến tranh Việt Nam đối với nước Mỹ trong suốt những thập kỷ sau đó. Dưới đây là nội dung bài viết.
Ngày 30/4/1975 kết thúc một trong những cuộc xung đột quân sự lớn nhất thế giới trong nửa sau của thế kỷ 20 - Chiến tranh Việt Nam.
Cuộc Chiến tranh tại Việt Nam đã để lại một dấu ấn to lớn cả trong lịch sử thế giới và lịch sử Mỹ. Và ngày nay, trong tình hình căng thẳng chính trị leo thang giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine, việc trả lời những câu hỏi sau đây là rất quan trọng: Mỹ đã rút ra được những gì sau một cuộc xung đột quân sự lớn của nửa sau thế kỷ 20? Liệu thế giới có thể sẽ lặp lại một “Việt Nam mới” khi mà Mỹ còn đang có một quan hệ phức tạp với thế giới Hồi Giáo?
Nhà sử học, chính trị học người Nga Andrei Fursov cho rằng, chiến thắng của nhân dân Việt Nam trước Mỹ, thực chất là một chiến thắng cuối cùng của phong trào giải phóng dân tộc thực thụ của thế kỷ 20. Năm 1979, sau 4 năm chiến thắng của những người Cộng sản Việt Nam, thì diễn ra cuộc cách mạng tại Iraq, nhưng nó lại phát triển theo một logic khác.
Mỹ đã thất bại nặng nề tại Việt Nam. Sau bài học này, trong một thời gian dài, người Mỹ không tham gia vào các cuộc chiến tranh tại các quốc gia ở châu Phi, châu Á, mà chỉ tham gia các chiến dịch đơn lẻ. Nhưng khi Liên Xô sụp đổ, quân đội NATO lại cầm vũ khí. Chúng ta có thể thấy điều này ở Nam Tư, Iraq, Afganistan, Lybia. Còn hiện nay, họ còn đã nỗ lực để bắt đầu một chiến dịch lớn tại Syria.
Đáng chú ý, kết thúc của cuộc chiến tại Việt Nam trùng với kết thúc của “cuộc đảo chính dần dần” tại Mỹ, bắt đầu từ khi Tổng thống Kennedy bị ám sát và kết thúc bằng sự buộc tội Nixon… “Cuộc đảo chính dần dần” kết thúc bằng việc lên nắm quyền là cái gọi là một tập đoàn trị. Nên thấy rằng, từ giữa những năm 1970 tại Mỹ thực tế không có một Tổng thống nào đến từ phía Đại Tây Dương, chỉ có những người hoặc đến từ Viễn Tây, hoặc từ miền Nam của đất nước, và thông thường họ có quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn xuyên quốc gia, như: Carter (bang Georgia), Reagan (bang California), Bush (bang Texas) và Clinton (bang Arkansas).
Lịch sử chiến tranh Việt Nam đã ám chỉ rằng: Không chỉ cần phản ứng lại các hành động của đối phương, mà cần phải tích cực tạo ra các vấn đề cho đối phương, trong khi ủng hộ các nước không chỉ trong khu vực của mình mà cả ở những vùng lãnh thổ truyền thống thuộc về khu vực lợi ích của phương Tây. Tức là, trong mọi tình huống không được kêu gọi xâm lược mà phải kêu gọi ủng hộ những nước yếu trên thế giới, bất kỳ họ ở đâu. Điều này đúng trên cả quan điểm nhân văn lẫn địa chính trị.
Lính thủy đánh bộ Mỹ tập trung nghe giao nhiệm vụ tại Đà Nẵng ngày 31/3/1965.
Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, Thiếu tướng về hưu Pavel Zolotarev, cho rằng: Bài học mà Mỹ rút ra sau cuộc chiến tại Việt Nam đã và đang được thể hiện trong quá trình hoàn thiện chiến đấu một cách thành công của quân đội Mỹ.
Các cuộc chiến tranh hiện đại đã có tính chất khác. Và việc lặp lại một Việt Nam thứ hai là không thể về nguyên tắc. Tại sao? Khi người Mỹ dự định tấn công Iraq, rất nhiều người nói rằng, nơi này sẽ biến thành một “Việt Nam thứ hai”. Nhưng những dự đoán này đã không chính xác do nhiều nguyên nhân. Tại Iraq là một quân đội Mỹ đã được tái cải tổ sau Chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa, việc hình thành các đơn vị được diễn ra chủ yếu theo cơ sở hợp đồng. Lần đầu tiên tham gia chiến đấu còn có cả những cái gọi là các công ty quân sự tư nhân.
Trong khi đó chúng ta nhìn lại tình hình tại Afganistan, tại đây các công ty quân sự tư nhân chỉ tham gia ở mức độ thấp, chủ yếu là thực hiện các chức năng mà không hỗ trợ quá nhiều cho quân đội cũng như đảm bảo hậu cần. Tức là, sau cuộc chiến tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã được cải tổ hoàn toàn. Khi tiến hành các chiến dịch, Mỹ đã đặt cược vào các đơn vị không chính quy.
Còn một khả năng nữa đáng chú ý. Trong thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã dựa vào tiềm năng kinh tế và quốc phòng của các đồng minh, nhưng sau đó thì các nước NATO đã cắt giảm chi tiêu quân sự tối đa. Chính vì vậy, hiện người Mỹ đang nỗ lực tổ chức các hoạt động của mình sao cho các chiến dịch sẽ mang tính liên minh. Người Mỹ đang nỗ lực chuyển cả trách nhiệm lẫn chi phí lên các đồng minh NATO của mình.
Chuyên gia phân tích thuộc “Phòng thí nghiệm Kryshtanovskaia”, nhà chính trị học Mikhail Korostikov cho rằng, đối với Mỹ, cuộc chiến Việt Nam đã trở thành một sự kiện còn quan trọng hơn Afganistan đối với Nga.
Người Mỹ đã có thể rút được nhiều bài học nhất từ Việt Nam, điều giúp họ nhìn chung là có khả năng đưa đất nước ra khỏi chiến tranh. Bài học chủ yếu mà ứng dụng thực tế của nó chúng ta hiện có thể nhận ra – đó là người Mỹ đang tích cực sử dụng chiến tranh thông tin. Giả sử, nếu tại Việt Nam, để tiến hành chiến tranh thì Mỹ đã phải tiêu tốn 9 - 10 USD, nhưng với việc đảm bảo thông tin thì giờ đây họ chỉ phải tốn có 1 USD, sau khi đánh giá tương quan lực lượng một cách chắc chắn. Và tại Iraq, như đã biết, các cuộc tấn công của binh sĩ Mỹ vào các mục tiêu phòng thủ quan trọng gần như đã được phát sóng trên truyền hình vào những giờ cao điểm.
Bài học thứ hai: Sau chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã hiểu rằng, chiến tranh phải diễn ra trong thời gian càng ngắn càng tốt, với thiệt hại tối thiểu và cùng với đó là luân chuyển binh lính. Có một thực tế hiển nhiên là những người ở rất lâu trong khu vực chiến sự thực tế sẽ mất khả năng quay trở lại cuộc sống hòa bình. Những cảm xúc và bản năng nguyên thủy bị che lấp bởi sự văn minh sẽ bộc lộ trong chiến tranh.
Đó là lý do của cái gọi là “hội chứng chiến tranh Việt Nam”, điều mà sau cuộc chiến làm cho số người chết vì tự tử có thể nhiều hơn chết do chính chiến tranh. Thật đáng tiếc, những mất mát tại Việt Nam là chưa từng có - 50.000 người, trong khi đó tại Iraq là khoảng 2.000, tại Afganistan khoảng 3.000 (đó là chưa tính lực lượng liên quân mà chỉ tính riêng người Mỹ).
Ngày nay chúng ta thấy rằng, quân đội Mỹ đang tích cực sử dụng vũ khí công nghệ cao, hướng tới các cuộc tấn công từ cự ly xa, trong đó phong thần của chiến thuật này chính là việc tích cực sử dụng máy bay không người lái. Chiến tranh dường như đã biến thành một trò chơi trên máy tính. Và chính xu hướng này, xu hướng chuyển chiến tranh sang trò chơi máy tính lại bắt đầu từ Việt Nam.
Liệu tình hình này sẽ lặp lại? Chuyên gia Mikhail Korostikov không nghĩ tới điều đó. Tuy nhiên chiến tranh Việt Nam còn nói tới việc tiến hành chiến dịch trên mặt đất ở quy mô lớn, nơi mà quân đội Mỹ: Thứ nhất là bị bao vây trong những người dân địa phương có tư tưởng thù địch với họ, thứ hai là các hoạt động chiến đấu của họ được theo dõi bởi chiến dịch chống chiến tranh mạnh mẽ ngay từ chính quê hương của mình là nước Mỹ.
Kể từ đó, Mỹ thường tấn công các nước không có khả năng phản kháng mà dân số của những nước này it hơn 10 lần nước Mỹ. Hơn nữa, khi chiến đấu với những nước yếu, họ còn không tốn nhiều tiền cho việc đảm bảo thông tin cho những chiến dịch này. Những “phí tổn cho dân chủ” theo thời gia đã được chuyển thành công vào sự cần thiết phải tẩy não người dân của họ.
Nhưng rõ ràng, chiến thuật của Mỹ vẫn không thay đổi?
Đúng vậy, chiến thuật của Mỹ đã không thay đổi, nhưng có một thứ đã thay đổi dù không nhiều, đó là việc duy trì chiến thuật này. Tức là, người Mỹ hiểu rằng, nếu không đầu tư tiền vào nền kinh tế, cơ sở hạ tầng và lĩnh vực xã hội thì sẽ rất phức tạp, đôi khi là không thể để giữ chính quyền ở một nước này hay nước khác.
Ví dụ tại Iraq, một bộ phận người dân có lẽ là không phản đối để Saddam bị lật đổ bởi những lực lượng bên ngoài. Họ đã hy vọng vào việc cải thiện cuộc sống. Nhưng sau đó thì kênh Euronews đã đưa ra một báo cáo chi tiết, trong đó người dân Iraq oán trách rằng sau 8 năm thì họ thực tế chẳng có gì thay đổi… Chính vì vậy, người Mỹ đã phải chú ý hơn đối với các nhu cầu của người dân địa phương.
Trong và sau cuộc chiến tại Việt Nam, xã hội Mỹ đã phát động một chiến dịch chống chiến tranh mạnh mẽ nhất… Đương kim Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thậm chí còn tích cực tham gia vào các phong trào chống chiến tranh sau khi ông bị thương lần thứ 3 tại Việt Nam và xuất ngũ…
Phải hiểu rằng, trong thời gian đó, tại Mỹ có một tầng lớp trung lưu rất mạnh: đại diện của tầng lớp này hiểu được tình hình thực tế và con cái của tầng lớp khá giả này được giáo dục tốt, sống tốt và có thể tự cho phép mình tham gia vào đời sống chính trị của đất nước, tham gia biểu tình… Hiện nay, cơ cấu này của xã hội Mỹ đã thay đổi đáng kể, tầng lớp trung lưu đang giảm mạnh.
Hiện nay tại Mỹ, đông nhất lại là những người được giáo dục vừa phải, được giáo dục theo văn hóa truyền thông đại chúng. Thật đáng tiếc, ảnh hưởng của họ lên nền chính trị và kinh tế của Mỹ giảm đi nhiều lần. Chính vì vậy, họ đánh giá chiến dịch quân sự thường lệ của những chính trị gia nước mình như một bộ phim bom tấn Hollywood.
Xem thêm Video: Thời khắc xe tăng 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975: