Tuy nhiên, ông Obama không tiết lộ về thời điểm chính xác của việc làm trên.
Trước đây, Tổng thống Obama từng đưa ra một cảnh báo tương tự về vấn đề Syria. Cảnh báo này khi đó đã bị cựu Giám đốc CIA Leon Panetta lên án là tổn hại tới uy tín của Mỹ.
David Rothkopf, một cựu cố vấn cấp cao của ông Obama, cho biết: “Đây là bước ngoặt thực sự trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama.
Nó là dấu hiệu cho thấy tình hình thực sự bắt đầu xấu đi”.
Robert Caruso, người từng phục vụ dưới chính quyền George Bush và Obama, nhận định thất bại của Obama trong việc vạch ra giới hạn đỏ rõ ràng với Ukraine cũng là một sai lầm nguy hiểm.
“Mỹ và NATO không chịu nhường Ukraine trước Nga và cũng không thể chịu đựng một Iran xuất khẩu hạt nhân trên toàn cầu.
Chúng ta đã thấy những gì xảy ra khi Tổng thống Obama đưa ra giới hạn đỏ với Syria. Chúng ta muốn nắm lấy cơ hội đó một lần nữa?” - ông Caruso nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức và một số nhà lãnh đạo châu Âu phản đối việc vũ trang cho Ukraine, phần vì lo sợ chiến tranh với Nga.
Ủy viên Ủy ban châu Âu phụ trách chính sách láng giềng Johannes Hahn ngày 9-2 cho biết các nhà tài trợ quốc tế gồm Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị tại Kiev vào tháng 4 để huy động nguồn tài trợ ít nhất 15 tỉ USD để giúp cứu Ukraine thoát khỏi tình trạng phá sản và tái thiết đất nước.
Trong khi đó, lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine tuyên bố họ đã chiếm được khu dân cư Logvinova và con đường tiếp tế lương thực, đạn dược của quân Ukraine.
“Lúc 9 giờ 25 ngày 9-2, dân quân kiểm soát được toàn bộ khu dân cư Logvinova, trực tiếp tiếp giáp với con đường dẫn từ Debaltsevo tới Artemovsk.
Con đường chiến lược, nơi tiếp tế vũ khí, đạn dược cho các nhóm quân chính phủ ở Debaltsevo, đã bị lực lượng dân quân ngăn chặn” - đại diện lực lượng dân quân Donetsk cho biết.