Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel hội đàm tại Nhà Trắng hôm 9-2 (giờ địa phương) trong nỗ lực duy trì mặt trận thống nhất giữa lúc có cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine để chống lại phe ly khai thân Nga.
Các nhà lập pháp Mỹ không ngừng kêu gọi cung cấp vũ khí cho Ukraine trong khi giới chức châu Âu nhấn mạnh giải pháp ngoại giao.
Báo The Wall Street Journal tiết lộ Tổng thống Obama không đưa ra quyết định cho đến khi bàn bạc xong với bà Merkel.
Theo Reuters, tổng thống Mỹ đang đứng ở ngã ba đường. Cấp vũ khí sát thương cho Ukraine có nguy cơ kích động chiến tranh với Nga, đồng thời khiến Mỹ và Tây Âu xa rời nhau.
Nhưng nếu chỉ siết chặt lệnh trừng phạt thì chưa đủ làm Tổng thống Vladimir Putin nao núng dù có gây thiệt hại cho kinh tế Nga.
Cùng ngày 9-2, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) quyết định trừng phạt thêm 19 người Nga và phe ly khai Ukraine cùng 9 tổ chức song hoãn đến ngày 16-2 mới có hiệu lực để tạo điều kiện cho kế hoạch hòa bình của Đức – Pháp.
Các chính khách Mỹ và giới chức Đức đã bất đồng về chiến lược xử lý khủng hoảng Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần qua.
Một số thượng nghị sĩ Mỹ chỉ trích Đức bỏ mặc Ukraine trong khi nước này đang đấu tranh vì dân chủ. Theo họ, Tổng thống Putin sẽ phải tính lại chiến lược một khi Kiev được phương Tây cung cấp vũ khí.
Trái lại, các nhà ngoại giao Đức, trong đó có Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier, cảnh báo bước đi này chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ và triệt tiêu luôn cơ hội đàm phán hòa bình.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nhận định Nga có thể xem hành động cung cấp vũ khí cho Ukraine là cái cớ để công khai can thiệp vào nước láng giềng.
Điều này được cảnh báo trước đó khi Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố an ninh của họ bị đe dọa nếu Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Theo hãng tin RIA Novosti, tại buổi gặp gỡ lãnh đạo Đảng Xã hội Dân chủ Đức hôm 8-2, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố mỗi quốc gia NATO phải tự quyết định có cấp vũ khí cho Ukraine hay không, đồng thời ông bày tỏ sự ủng hộ nỗ lực của “bộ tứ Normady” về đường lối giải quyết hòa bình.
Một số nước châu Âu, như Pháp, Anh, Phần Lan, Hungary, Ý, Đan Mạch, Hà Lan... cũng có lập trường tương tự Đức.
Trong cuộc điện đàm cùng ngày, Thủ tướng Đức đồng ý với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tiếp tục hội đàm tại Minsk - Belarus vào ngày 11-2 nhằm hoàn tất thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu ở miền Đông Ukraine.
Ông Poroshenko và Cao ủy Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini hy vọng cuộc hội đàm sắp tới sẽ đạt tiến bộ để Donbass im tiếng súng.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin nhấn mạnh viễn cảnh này rất khó xảy ra nếu các bên đối đầu không tìm được tiếng nói chung.
Cùng ngày 9-2, Ngoại trưởng Đức Steinmeier cho hay còn nhiều bất đồng phải dàn xếp để hội đàm 4 bên diễn ra đúng kế hoạch.
Bà Marine Le Pen, thủ lĩnh Đảng Mặt trận Dân tộc (Pháp), nhận định: “Bây giờ là thời điểm cần triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Ukraine.
Tuy nhiên, Washington tuyệt đối không quan tâm đến việc thiết lập hòa bình ở Ukraine. Họ ủng hộ chiến tranh, tương tự chuyện đã xảy ra ở Iraq, Libya và Syria”.
Nga phản ứng “bằng chứng của Kiev”
Về việc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trưng ra các hộ chiếu Nga để làm bằng chứng cho sự can dự của binh sĩ nước này ở miền Đông Ukraine, ông Viktor Sorokin, giới chức cao cấp Bộ Ngoại giao Nga, khẳng định phía Ukraine đã không thể cung cấp cho Nga bản sao các giấy tờ trên.
Thêm vào đó, đại diện chính thức Ủy ban Điều tra Liên bang Nga Vladimir Markin mỉa mai:
“Tiếp theo đây, ông Poroshenko sẽ trưng ra cho thế giới thấy bằng chứng về sự xâm nhập đất nước Ukraine của điện năng, khí đốt và than đá giá rẻ của Nga”.