Theo hãng tin Quartz, kết quả này là một tin vui cho Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận thương mại tự do được đề xuất thành lập giữa nhiều nước, trong đó có Trung Quốc. Hiệp định này - bãi bỏ thuế và các rào cản thương mại giữa các nước tham gia - được các thành viên Cộng hòa ủng hộ.
Rand Paul - Thượng nghị sĩ Cộng hòa từ Kentucky - đã thúc đẩy TPP trong một bài phát biểu hồi tuần trước ở New York: "Thay vì chỉ nói về cái gọi là 'trục xoay tới châu Á', chính quyền Obama nên ưu tiên đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương vào cuối năm nay".
Các nước thành viên TPP đang tận dụng hội nghị APEC tại Bắc Kinh như một cơ hội để gặp gỡ bên lề, và dự định sẽ thảo luận về hiệp định này trong ngày 8/11.
Thực tế, Obama đã ủng hộ TPP nhưng các thành viên Dân chủ then chốt lại phản đối Hiệp định này vì lo ngại về khả năng việc làm bị chảy ra nước ngoài, và đặc biệt là có hại cho ngành công nghiệp ôtô của Mỹ. Và sau kết quả bầu cử giữa kỳ, giờ đây, Obama có thể "cưỡi trên con sóng Cộng hòa", như bình luận của Tạp chí Foreign Policy, để khiến cho các thỏa thuận thương mại được thông qua.
Nhưng Mỹ không phải là nước duy nhất lo lắng về tình trạng thất thoát việc làm. Trung Quốc cũng đang đối mặt với vấn đề tương tự. Chi phí sản suất tại nước này tăng cao trong những năm gần đây, đặc biệt là về nhân công, vì số lượng lao động nhà máy ít đi trong khi người làm đòi trả lương tháng, trợ cấp cùng tiền làm thêm giờ cao hơn.
Theo Tổ chức Tư vấn Boston, chi phí sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc hiện nay cao hơn so với một số nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Mexico cũng là một thành viên TPP, đảo Đài Loan cũng đang nỗ lực tham gia Hiệp định này. Cả hai đều có thể cung cấp giá rẻ hơn, thuận tiện hơn để sản xuất cho các đối tác của mình.
Nghiên cứu không tìm hiểu về các nước có chi phí sản xuất thấp dự kiến cũng tham gia TPP, trong đó có Malaysia, Việt Nam, Chile và Peru.
Chi phí lao động tại Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và không ít tập đoàn như Samsung đã chuyển các cơ sở sản xuất của mình tới nước này.
Ngoài việc sản xuất hàng hóa thành phẩm, các yêu cầu "Quy định Xuất xứ" của TPP cũng tác động đến thế mạnh của Trung Quốc ở các loại nguyên liệu như sợi cotton. Đề xuất "yarn forward" (từ sợi trở đi) sẽ yêu cầu các nước thành viên sản xuất nguyên liệu dệt trong TPP phải mua sợi mà họ sử dụng từ các nước thành viên khác mới được hưởng các lợi ích thương mại đầy đủ từ hiệp định.
Viện Peterson ước tính, TPP có thể bổ sung 77 tỷ USD vào thu nhập của các công ty Mỹ vào năm 2025, và một hhoảng 305 tỷ USD cho xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, một phần tiền này sẽ ra đi từ các hầu bao ở Trung Quốc.