Đây là thông điệp chủ đạo đã xuất hiện trên blog (nhật ký web) chỉ trích Mỹ của blogger (người viết blog) ăn khách Zhou Xiaoping.
Nhiều thông tin gây sốc
Thông qua blog của Zhou, người Trung Quốc mới biết rằng dân Mỹ bị buộc phải đóng phí bảo hiểm xe hơi lên tới 3.500 USD mỗi năm. Họ cũng phải bỏ ra tới 30.000 USD để mua một chiếc xe hơi cấp thấp sản xuất trong nội địa. Ngoài ra có tới hơn nửa số học sinh của Mỹ ở các trường công đã không thể tốt nghiệp trung học.
Dĩ nhiên tất cả các thống kê này đều không đúng sự thực. Hãng tin AP cho biết thực tế, xe hơi cấp thấp ở Mỹ có giá chưa đầy nửa con số Zhou đưa ra. Thông tin của anh này về tiền bảo hiểm xe hơi ở Mỹ còn bị thổi phồng hơn thế. Và khoảng 80% học sinh trường công ở Mỹ đã tốt nghiệp trung học, không phải chưa đầy 50% như anh ta nói. Theo AP, ngay cả giới chức làm tuyên truyền Trung Quốc cũng đồng tình rằng Zhou đã đưa tin sai.
Nhưng trong khi Bắc Kinh mở chiến dịch chống phát tán thông tin sai lạc trên mạng, chính quyền lại không xử lý mà còn nêu gương Zhou. Đầu tháng này, Zhou đã bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong một cuộc họp hiếm có về văn chương và nghệ thuật. Blogger 33 tuổi sau đó cho biết đã được khuyến khích lan truyền "năng lượng tích cực trên Internet".
Được mến mộ vì bêu xấu Mỹ
Lo ngại công chúng có thể chịu ảnh hưởng quá mức từ phương Tây, nhiều tờ báo chính thống ở Trung Quốc đã có các bài viết nêu ra khiếm khuyết của xã hội phương Tây. Tuy nhiên các bài viết này thường không gây được nhiều sự chú ý do dùng ngôn ngữ khô cứng và cách đặt vấn đề không hấp dẫn.
Đơn cử như năm ngoái, tờ Nhân dân Nhật báo có loạt bài "Những người Mỹ không trung thực", với nhiều câu chuyện kể về thói xấu của người Mỹ, gồm chuyện một người thợ khóa ở New York đòi 800 USD tiền công cho việc thay 2 ổ khóa. Nhiều độc giả đã đánh giá loạt bài này mang tính phân biệt, không công bằng.
Trong khi đó những bài viết khen ngợi Mỹ và phương Tây xuất hiện khá nhiều trên Internet và mạng xã hội Trung Quốc. Một số bài viết thậm chí còn khen ngợi quá đà nước Mỹ, ví dụ như cho rằng hệ thống chăm sóc y tế Mỹ vừa túi tiền với tất cả mọi người.
Đó là khi Zhou xuất hiện và tung ra các bài viết với mục đích "thức tỉnh người Trung Quốc đang bị thôi miên bởi truyền thông xã hội, bị đầu độc bởi các tạp chí, tờ báo và cuốn sách bán chạy".
Zhou chống lại mạnh mẽ các cáo buộc nói rằng giới chức Trung Quốc tham nhũng nhiều. Theo anh này, Mỹ cũng "chẳng phải là thiên đường". Zhou còn dẫn tin không có cơ sở cho biết một cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc từng thuê máy bay để đi tán gái.
Theo Zhou, tình trạng tham nhũng thậm chí đã xuất hiện cả trong Nhà Trắng. Anh này đưa ra thông tin cho biết gia đình Tổng thống Barack Obama từng chi tới 4 triệu USD cho một bữa ăn. Con số 4 triệu USD có thể đã lấy từ một số bài báo nói rằng các chuyến đi nghỉ của gia đình ông Obama tới Hawaii đã gây tốn kém tới 4 triệu USD mỗi lần. Tuy nhiên AP cho biết số tiền lớn chủ yếu do chi phí sử dụng chiếc chuyên cơ Air Force One.
Zhou còn ca ngợi các thành tựu của Trung Quốc khi nói rằng nhiều vấn đề trong xã hội nước này đã bị thổi phồng quá mức. Theo Zhou, Mỹ đã ngấm ngầm phát tán tin đồn nhằm gây rối loạn trong hệ thống chính trị của Trung Quốc, gây suy giảm niềm tin vào chính quyền, khiến người Trung Quốc thấy khốn quẫn.
Có thể gây hại cho chính quyền
Với những bài viết chê Mỹ được tung lên blog đều đặn, Zhou hiện đã có 500.000 fan trên blog cá nhân. Nhiều tờ báo chính thống cũng đăng tải lại bài viết của anh này.
Tuy nhiên các bài viết của Zhou đã vấp phải sự chỉ trích từ những người nghi ngờ, cho rằng anh ta đã bóp méo sự thực, cung cấp thông tin sai lạc. Fang Shimin, một blogger nổi tiếng ở Trung Quốc, từng viết một bài báo bác bỏ thông tin sai lạc về nước Mỹ do Zhou đưa ra. Tuy nhiên bài báo nhanh chóng bị gỡ bỏ khỏi mạng Internet ở Trung Quốc. Blog cá nhân và các tài khoản của Fang trên Sina Weibo cũng bị đóng lại sau đó.
Nhà báo độc lập Zhang Wen đánh giá các chỉ trích mà Zhou nhằm vào phương Tây luôn không công bằng, trong khi lại bênh Trung Quốc một cách thái quá. "Các con số và dữ liệu thực dùng trong lý luận của Zhou thường không đầy đủ hoặc bị thổi phồng. Một số chỉ đơn thuần là rác rưởi" - Zhang nói.
Theo Zhang, có những lý do để các bài viết của Zhou thu hút đông người đọc. "Một lý do là nhiều người không biết thực hư ra sao. Lý do nữa là giọng điệu dân tộc chủ nghĩa rất mạnh trong các bài viết của Zhou, đã có sức lôi cuốn với nhiều người Trung Quốc bình thường" - Zhang nói.
Đã có tiếng nói cho rằng việc tôn vinh những kẻ tung tin không đúng sự thực như Zhou có thể sẽ mang tới tác động tiêu cực về sau. "Người như Zhou đóng vai trò giúp chính quyền định hướng dư luận" - Dali Yang, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Chicago nói - "Nhưng anh này cung cấp thông tin thiếu tính thuyết phục tới mức sẽ có thể gây tác động tiêu cực ngược lại phía chính quyền".