Kịch bản tệ nhất ở Ukraine: Gần 17.000 vũ khí hạt nhân tham chiến

Nhật Huy |

(Soha.vn) - "Khủng hoảng Ukraine đã xuất sắc trong việc tập trung sự chú ý của cả thế giới vào mình và những thách thức của mình. Đừng lãng phí bất cứ cuộc khủng hoảng nào!".

Ông Seth Baum, giám đốc Viện nghiên cứu Nguy cơ Thảm hoạ Toàn cầu (CGRI) đã có bài viết trên trang Huffington Post, phân tích tình huống xấu nhất và tốt nhất có thể xảy ra với Ukraine, trong thời điểm Nga và châu Âu, đặc biệt là Mỹ, đang đối đầu hết sức căng thẳng.

Dưới đây là bài phân tích của ông Seth Baum:

Trong trường hợp tốt nhất, khủng hoảng tại Ukraine sẽ được giải quyết bằng con đường ngoại giao thông qua sự hợp tác ngày càng được thắt chặt giữa Nga và châu Âu. Đây sẽ là một bước tiến lớn đối với hòa bình thế giới. Trong trường hợp xấu nhất, cuộc khủng hoảng sẽ leo thang thành chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ, dẫn đến sự diệt vong của nhân loại.

Hãy bắt đầu bằng kịch bản xấu nhất, chiến tranh hạt nhân và kho vũ khí của Nga, Mỹ. Mọi chuyện sẽ xấu tới mức độ nào?. Hãy hiểu thế này: Các phân tích gần đây cho thấy, nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân "có giới hạn" giữa Ấn Độ và Pakistan, khoảng 1 tỉ người sẽ chết vì thiếu hụt lương thực do mùa đông hạt nhân. Đấy là với giả định sẽ chỉ có 100 vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tranh "có giới hạn" này. Mỹ và Nga tổng cộng đang có khoảng 16.700 vũ khí hạt nhân. Nhân loại khó có thể tồn tại sau thảm hoạ chiến tranh hạt nhân Nga - Mỹ.

Dường như khó có khả năng Nga và Mỹ sẽ lao vào một cuộc chiến hạt nhân vì Ukraine. Họ chắc chắn có bất đồng, nhưng cả 2 bên vẫn còn ở xa mức cần thiết để phải viện tới những biện pháp bất thường như thế này. Thay vào đó, nhiều khả năng là toàn bộ cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết với mức thiệt hại tối thiểu về người. Tuy nhiên, với nhiều diễn biến bất ngờ đã xảy ra, chúng ta không thể loại trừ khả năng mọi chuyện sẽ kết thúc bằng một cuộc chiến tranh hạt nhân trực diện.

Chiến tranh hạt nhân có thể vô tình xảy ra, ví dụ như khi một báo động giả bị hiểu nhầm là thật, và vũ khí hạt nhân được phóng đi với lý do trả đũa. Đã từng có một số tình huống đáng lo ngại, suýt dẫn tới chiến tranh hạt nhân Nga - Mỹ ngoài ý muốn trong nhiều năm qua.

Gần đây nhất là năm 1995, khi Nauy phóng một tên lửa mang thiết bị nghiên cứu khoa học từ phía bắc nước này. Radar của Nga đã phát hiện ra tên lửa và xem nó là tên lửa hạt nhân. Lực lượng hạt nhân Nga được đặt trong tình trạng báo động và Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin đã phải đối mặt với quyết định liệu có phóng vũ khí hạt nhân để đáp trả hay không.

May mắn là Tổng thống Yeltsin và Bộ tổng tham mưu Quân đội Nga đều quyết định rằng đây chỉ là báo động giả. Cho tới nay, bài học rút ra từ vụ việc này là chiến tranh hạt nhân có thể được khơi mào ngay cả trong những thời điểm bình lặng.

Với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, tình hình hiện nay không hề ổn. Nó thậm chí còn căng thẳng hơn cả năm ngoái, khi Mỹ cân nhắc việc can thiệp quân sự vào Syria. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là khi đó, Israel cũng tiến hành thử nghiệm phòng thủ tên lửa đạn đạo sớm hơn so với kế hoạch. Radar của Nga một lần nữa lại phát hiện ra vụ phóng và bước đầu nghi ngờ rằng đó là sự mở màn cho hành động quân sự. Vụ việc này đã có thể leo thang, đặc biệt là khi Mỹ và Nga đang có những quan điểm trái ngược về Syria. May mắn là sự nhầm lẫn đó đã được giải quyết nhanh chóng và căng thẳng không leo thang.

Nga và Mỹ có thể giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân ngoài ý muốn bằng việc duy trì lực lượng hạt nhân của mình ở trạng thái bình thường, hạn chế việc nâng mức báo động. Điều này sẽ giúp giảm thiểu khả năng hiểu nhầm các tín hiệu được phát hiện là một cuộc tấn công, cũng như giảm khả năng tấn công trả đũa các báo động giả đó.

Việc duy trì ở mức bình thường, thay vì mức báo động hạt nhân cao sẽ cho cả 2 bên có thêm thời gian để đánh giá chính xác các tín hiệu mà họ phát hiện. Nhờ vậy, nó có thể giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân ngoài ý muốn. Trong khi đó, tất cả các bên liên quan cũng nên có trách nhiệm trong việc giảm mức độ căng thẳng. Điều này có thể đạt được bằng cách chú trọng tới các giải pháp ngoại giao thay vì can thiệp quân sự, và bằng cách ngăn chặn bất cứ động thái quân sự nào vượt ra khỏi Ukraine.

Những người lính Ukraine mệt mỏi, cầu nguyện vì hòa bình

Những người lính Ukraine mệt mỏi, cầu nguyện vì hòa bình

Còn giờ là kịch bản tốt đẹp nhất. Có lý do thuyết phục để tin tưởng rằng khủng hoảng Ukraine sẽ kết thúc và thế giới sẽ trở nên hoà bình, an toàn hơn so với thời điểm trước khủng hoảng, nếu một số động thái nhất định được thực hiện. Những động thái này cũng có thể được thực hiện ngay cả khi không có khủng hoảng. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã xuất sắc trong việc tập trung sự chú ý của cả thế giới vào Ukraine và những thách thức mà nước này gặp phải. Đừng để lãng phí bất cứ cuộc khủng hoảng nào!.

Xét cho cùng, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng Ukraine nằm ở sự bất thường về địa chính trị của mình. Ukraine không nằm một cách gọn gàng trong những sự phân tách về mặt địa lý đã được thiết lập. Nó là một quốc gia biên giới giữa khối Liên minh châu Âu EU và khối Nga.

Tương tự như vậy, dân số của nước này cũng bị chia tách, số người muốn gia nhập châu Âu và số người muốn gia nhập Nga gần như xấp xỉ nhau. Tổng thống mới bị lật đổ Viktor Yanukovych là một trong số những người Ukraine quan tâm tới cả EU và Liên minh Hải quan CU do Nga đứng đầu. Tuy nhiên, cả EU và CU đều không chấp nhận vị thế kép này, và Yanukovych hiện đang sống phải sống lưu vong, còn đất nước thì hỗn loạn.

Thật không công bằng khi Ukraine rơi vào tình thế khó xử về địa chính trị và phải chịu hậu quả là một cuộc khủng hoảng chính trị. Song có thể sẽ xuất hiện cơ hội trong khủng hoảng. EU và CU hiện nay có thể hợp tác hướng tới vị thế nước đôi đặc biệt của Ukraine.

Nếu châu Âu và Nga đều nghiêm túc về một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và ước nguyện dân chủ của Ukraine, thì vị thế kép này có thể là lựa chọn tối ưu nhất. Cùng với đó, nó có thể giúp đưa châu Âu và Nga xích lại gần nhau nhau hơn trong hoà bình và hợp tác về kinh tế. Chúng ta cũng có cơ hội lớn để đẩy Chiến tranh Lạnh lùi sâu vào quá khứ.

Giả sử rằng thoả thuận hợp tác về Ukraine là khả thi, có thể có người sẽ hỏi: "Ai thua thiệt?". Câu trả lời rõ ràng là Trung Quốc. Quốc gia này có thể sẽ cảm thấy bị đe doạ bởi một khối Nga - NATO thống nhất. Các quốc gia khác có thể cũng cảm thấy điều tương tự. Để giảm thiểu nguy cơ này, đối thoại giữa EU và Nga nên xem xét tới Trung Quốc và các quốc gia đáng được quan tâm khác nữa.

Những cuộc đối thoại như thế này phù hợp với các nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bảo đảm an ninh và hiểu biết lẫn nhau. Một vài người cho rằng điều này quan trọng không kém việc đạt được hoà bình trên thế giới mà không cần tới vũ khí hạt nhân. Và vì vậy, một thoả thuận hợp tác về Ukraine cũng có thể đạt được ở quy mô toàn cầu. Vì lợi ích của tất cả chúng ta, cần phải theo đuổi sự lựa chọn này ngay lập tức.

Vậy khủng hoảng Ukraine sẽ rơi vào trường hợp nào: xấu nhất hay tốt nhất, hay kịch bản dung hoà ở giữa? Câu trả lời phụ thuộc nhiều vào các động cơ của Nga, đặc biệt là liệu nước này có tìm kiếm giải pháp hoà bình như họ tuyên bố, hay đã có mục tiêu bành trướng, hung hăng?

Hi vọng đó là khả năng thứ nhất, và lúc đó, sẽ có thể đạt được một thoả thuận ngoại giao mà không có ai phải đổ máu. Tôi nghĩ rằng khả năng thứ nhất cũng dễ xảy ra hơn. Nhưng cho tới khi thế giới biết chắc điều đó, vẫn cần phải cảnh giác. Đơn giản là có quá nhiều mối đe doạ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại