Trả lời phỏng vấn tờ Newsweek, ông Rogers cho rằng Washington nên phối hợp với các đồng minh châu Âu để hỗ trợ về tình báo, an ninh và quân sự cho Ukraine. Nghị sĩ đứng đầu tổ chức giám sát hoạt động của Cộng đồng tình báo Mỹ cho rằng Ba Lan có vị trí tốt nhất để từ đó, Mỹ có thể triển khai nhanh nhất các hoạt động hỗ trợ Ukraine. "Tôi cho rằng chúng ta (Mỹ) và châu Âu sẽ phải làm điều gì đó", Rogers khẳng định.
Theo Mike Rogers, khi khủng hoảng nổ ra, “quân đội của Ukraine đã không có mặt tại nơi mà nhẽ ra họ nên tới. Putin biết điều đó, Mỹ biết điiều đó và chắc chắn EU biết điều đó. Vì thế, chúng ta sẽ phải giúp họ”.
Vị cựu đặc vụ FBI này nhấn mạnh rằng sự giúp đỡ cần phải "toàn diện và mạnh mẽ...không thể mờ nhạt. Nếu Liên minh châu Âu EU hững hờ và Mỹ cũng không nhiệt huyết thì tôi nghĩ rằng Putin sẽ tự tung tự tác khắp Ukraine. Tôi chắc chắn rằng một trong những quan tâm hàng đầu của ông ấy là kiểm soát bán đảo Crimea và ông ấy đã làm được điều đó".
Ông Rogers cho biết: “Tôi rất thận trọng về cách mà chúng ta can thiệp ở đó. Tôi sẽ chắc chắn cung cấp các khóa huấn luyện để họ có thể hiểu được mối đe dọa phản gián của họ là gì, đồng thời tư vấn về chương trình chống nổi dậy”.
“Ba Lan đã một địa điểm tuyệt vời để thực hiện việc này. Họ có những binh sĩ cực kỳ tốt, có thể hỗ trợ huấn luyện nhanh chóng... Mục tiêu là nhằm ngăn chặn những rắc rối mà không gây ra xung đột quân sự với lực lượng được Nga ủng hộ hay bạo lực giữa dân thường và quân đội - những thứ tương tự như vậy”.
Đại sứ quán Ba Lan ở Washington hiện chưa đưa ra bình luận gì về những lời đề nghị của ông Rogers. FBI và CIA cũng từ chối bình luận về các thông tin trên.
Về phần mình, trong nhiều năm qua, Lầu Năm Góc đã có hàng loạt các chương trình hoạt động và huấn luyện chung với Ukraine, bao gồm các cuộc tập trận hải quân và lục quân thường niên.
Phương Tây đã đe dọa sẽ áp dụng cấm vận Nga thay vì hành động quân sự để chống lại Nga sau khi Moscow kiểm soát bán đảo Crimea của Ukraine. Chính phủ lâm thời Ukraine ở thủ đô Kiev cũng đã tỏ ra thận trọng khi kiềm chế lực lượng quân đội của mình, tránh đụng đội với binh lính Nga ở Crimea, đồng thời cáo buộc hành động can thiệp quân sự của Moscow là sự "xâm lược" khu vực miền đông nước này.
Cập nhật: Theo thông tin mới nhất, chiều 6/3, Bộ Quốc phòng Ba Lan xác nhận, tuần tới, Mỹ sẽ cử 12 máy bay chiến đấu F-16 và 300 quân nhân đến Ba Lan để huấn luyện nhằm đối phó với tình hình ở Ukraine. Các nguồn tin chính thức cho biết, quy mô dự kiến ban đầu của cuộc huấn luyện này ban đầu nhỏ hơn nhiều, và chỉ huy động các máy bay vận tải.