Tạp chí TIME đã có một bài phân tích về vấn đề Ukraine. Theo đó, TIME nhận định việc Nga ra sức bảo vệ khu tự trị Crimea đã đẩy EU vào một tình thế khó khăn. Các quan chức ở Brussels đang vật lộn để đối phó với Maxcơva – hàng xóm lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ ba của mình.
Các nhà lãnh đạo châu Âu lên tiếng lo ngại về chiến lược Ukraine của Nga, nhưng khi nói đến việc giải quyết mối quan hệ này, EU đã không thể có tiếng nói thống nhất. Việc đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga gây nhiều tranh cãi trong nội bộ EU, đặc biệt là khi Đức – quốc gia đứng đầu khối đã cảnh giác về các biện pháp này.
Phát biểu trước một cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng ngoại giao vào ngày 3/3, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier cảnh báo châu Âu không nên phản ứng với hành động khiêu khích của Maxcơva bằng một hành động khiêu khích.
"Ngoại giao không phải là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Nhất là nó cần thiết hơn bao giờ hết để ngăn chặn chúng ta bị cuốn hút vào vực thẳm của một sự leo thang quân sự", Ngoại trưởng Steinmeier cho biết.
Cho đến nay phản ứng công khai nhất của EU cho hành động của Nga ở Crimea đã được thông báo vào hôm thứ Hai, trong đó yêu cầu Nga "thu hồi ngay lập tức" lực lượng quân sự về căn cứ của họ. “Trong trường hợp Nga không dừng bước”, Hội đồng EU đề nghị sẽ thảo luận về khả năng đình chỉ các cuộc đàm phán song phương về các vấn đề thị thực và “các biện pháp nhắm mục tiêu xa hơn”.
Khối 28 thành viên đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Nga hơn hai thập kỷ qua. Nga là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU, trong khi khối là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Đức, nền kinh tế hàng đầu của EU, là nước nhập khẩu khí đốt nhiều nhất của Nga và là đối tác thương mại lớn thứ ba của Nga.
Do sự phức tạp của các mối quan hệ châu Âu với Nga, phản ứng của khối với cuộc khủng hoảng Ukraine đã nhanh chóng tỏ ra thận trọng nhiều hơn so với sự đối đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry đối với Matxcơva. "Người Mỹ ở xa", một nhà ngoại gia hàng đầu của Đức giấu tên đã phát biểu trên tờ Reuters, "Họ ít mất mát hơn nếu leo thang trong cuộc khủng hoảng này”.
Vương quốc Anh cũng tỏ ra thận trọng khi xem xét lợi ích riêng của mình với Nga, mặc dù Ngoại trưởng William Hague cảnh báo của Nga "sẽ nhận hậu quả" cho hành động của mình ở Ukraine. Chính phủ nước này đang phải đối mặt với những lời chỉ trích khi một báo cáo cho thấy Anh sẽ không đóng cửa tài chính với Nga.
Tình hình sẽ càng trở nên phức tạp khi EU thảo luận về tương lai của chính sách năng lượng vào cuối tháng này. Sẽ khó có một lựa chọn ngay lập tức đa dạng hóa nguồn năng lượng của châu Âu. Và EU nhiều khả năng sẽ tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch giá rẻ của Nga.
Tuy nhiên, có một số quốc gia đã sẵn sàng đứng lên phản đối Nga bất chấp sự phụ thuộc vào năng lượng của nước này, ông Jana Kobzova, một chuyên gia Nga và Đông Âu tại cố vấn Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại cho biết, trong đó có Ba Lan, Slovakia và các nước ở vịnh Baltic. Biện pháp trừng phạt nhắm mục tiêu vào việc đóng băng tài sản của những người thân Putin cũng là một phương án mạnh mẽ mà EU có thể sử dụng để ngăn chặn Nga, ông Kobzova nói.
Nếu cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục leo thang, các bên đều có thể vướng vào bế tắc. Trong khi các thành viên EU có mối quan hệ kinh tế quan trọng với Nga, Matxcơva cũng sẽ đánh cược với một trong những thị trường quan trọng nhất của mình. Ước tính có khoảng 75% cổ phiếu đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Nga từ là từ các quốc gia thành viên EU.
Nếu EU lựa chọn để tận dụng ảnh hưởng của mình, đó có thể là một canh bạc để tìm kiếm lợi của chính họ. Theo như Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans đề nghị hôm thứ Hai, "Hậu quả [của một sự leo thang] sẽ có hại cho tất cả mọi người, nhưng Nga sẽ nhận hậu quả còn tồi tệ hơn so với EU".