Vì sao Trung Quốc phản ứng “thận trọng” về Ukraine?

Năm 2012, Ukraine chiếm vị trí nhà xuất khẩu vũ khí thứ tư trên thế giới và một phần đáng kể vũ khí sản xuất ở đây được bán cho Trung Quốc.

Truyền thông Nga trích dẫn một số nguồn từ Trung Quốc nói Bắc Kinh ủng hộ quan điểm của Nga trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

"Cầm chừng"

Tờ Rossiskaya Gazeta trích nguồn Nhân dân Nhật chỉ trích việc Washington vẫn còn giữ "thế giới quan thời Chiến tranh lạnh" và tranh giành ảnh hưởng với Moscow trong khủng hoảng quyền lực tại Ukraine.

Báo Nga nói Nhân dân Nhật báo nhận định rằng Mỹ đang tìm mọi cách để qua mặt Nga trong ảnh hưởng tới diễn biến ở Ukraine.

"Lý thuyết thời Chiến tranh lạnh, gắn với chính trị, kinh tế và an ninh, cho tới nay vẫn còn ngự trị trong tâm trí của nhiều người và quyết định thế giới quan của họ, nhiều người ở phương Tây vẫn chưa từ bỏ sự hằn thù đối với nước Nga."

Nhân dân Nhật báo được nói đã kêu gọi phương Tây từ bỏ lối tư duy cũ.

Theo tờ Rossiskaya Gazeta, đây là quan điểm chính thống "quan trọng nhất và cứng rắn nhất" của Bắc Kinh cho tới nay trong vấn đề khủng hoảng Ukraine.

Thực tế từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình dẫn tới việc lật đổ chính quyền Yanukovych, Trung Quốc đã khá thận trọng trong các bình luận của mình.

Ngoại trừ tờ Hoàn cầu Thời báo, các cơ quan ngôn luận khác của Trung Quốc đều tỏ ra cầm chừng.

Hoàn cầu Thời báo trong một bài xã luận gần đây viết: "Dư luận Trung Quốc cần sát cánh cùng nước Nga và ủng hộ Nga chống lại áp lực của phương Tây. Đây mới chính là bức tranh thật của cuộc khủng hoảng Ukraine.”

"Không can thiệp"

Hôm 3/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Nga Sergey Lavrov về tình hình Ukraine.

Nga nói Moscow và Bắc Kinh chia sẻ đa số quan điểm về tình hình Ukraine, với ý rằng Trung Quốc ủng hộ Nga.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong thông cáo chính thức nói Trung Quốc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, và các bên cần giữ hòa bình và ổn định tại khu vực thông qua đối thoại và đàm phán.

Người phát ngôn bộ này, ông Tần Cương, nói Trung Quốc chủ trương "không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước, đồng thời cân nhắc các dữ liệu lịch sử và sự phức tạp của tình hình" tại Ukraine.

Ông Tần cũng nói Trung Quốc tiếp tục theo dõi chặt các diễn biến tại Ukraine.

Theo giới chuyên gia, sở dĩ Chính phủ Trung Quốc thận trọng như vậy là vì lợi ích của nước này liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Ukraine đã có nhiều dự án hợp tác về quân sự, thương mại và nông nghiệp.

Năm 2012, Ukraine chiếm vị trí nhà xuất khẩu vũ khí thứ tư trên thế giới và một phần đáng kể vũ khí sản xuất ở đây được bán cho Trung Quốc.

Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, cũng là mua từ Ukraine.

Năm ngoái Ukraine đồng ý cho Trung Quốc thuê 5% diện tích đất đai để canh tác và nuôi lợn cho các công ty nhà nước Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc sẽ giúp xây dựng hệ thống hạ tầng cho Ukraine.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych vào tháng 12/2013, Bắc Kinh cam kết cho Ukraine khoản hỗ trợ 8 tỷ USD, thêm vào khoản 10 tỷ USD đã cấp trước đó.

Rõ ràng chiến sự ở Ukraine sẽ ảnh hưởng nặng tới đầu tư của Trung Quốc và Bắc Kinh đang phải rất khéo léo trong việc cân bằng quan hệ với đồng minh và láng giềng Nga mà không để khủng hoảng Ukraine đẩy khu vực vào hố sâu bất ổn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại