Trung Quốc đang ngày càng tăng cường luận điệu về sự tương phản giữa Đức và sự ăn năn của nước này đối với chế độ Đức quốc xã trước đây với Nhật Bản và chế độ phát xít trong Chiến trong Thế giới thứ Hai. Đây là một phần trong chiến dịch lợi dụng sự hối lỗi của Đức về quá khứ thời chiến tranh của mình để gây khó khăn cho Nhật Bản.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản - hai đối thủ ở châu Á - đã trở nên tồi tệ hơn sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới đền Yasukuni hồi cuối năm ngoái. Trung Quốc liên tục cáo buộc Nhật Bản muốn phá vỡ lời hứa hoà bình và quay trở về con đường của chủ nghĩa quân phiệt.
Theo nguồn tin của Reuters, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tới thăm Đức, Pháp, Hà Lan và Bỉ và cuối tháng Ba tới đây. Chuyến thăm này cũng như chương trình làm việc của ông Tập trong chuyến thăm chưa được chính thức công bố.
Một nguồn tin ngoại giao cấp cao khác cho hay Trung Quốc đã đề xuất việc ông Tập sẽ tới thăm Đài tưởng niệm Holocaust (nơi tưởng nhớ người Do Thái bị Đức Quốc xã tàn sát trong chiến tranh Thế giới thứ Hai) và Đài tưởng niệm Neu Wache (nơi vinh danh những người hi sinh trong chiến tranh song không phải là tội phạm chiến tranh) ở Đức. Tuy nhiên, đề xuất thăm Đài tưởng niệm Holocaust ngay lập tức bị Đức bác bỏ. Hiện chưa rõ liệu Đức có đồng ý để ông Tập tới thăm Đài tưởng niệm New Wache hay không.
Một phần lý do là bởi Đức không muốn di sản thể hiện sự tiêu cực của cuộc chiến tranh bao trùm hay trở thành trung tâm của cuộc viếng thăm cấp nhà nước. Trong khi đó, Trung Quốc lại ngỏ ý muốn quan chức Đức tới thăm Nhật Bản và nói với họ về cách đối diện với lịch sử.
Reuters dẫn lời các nhân viên ngoại giao ở Bắc Kinh cho hay: "Trung Quốc muốn tập trung mạnh vào chủ đề Thế giới thứ Hai khi ông Tập thăm Đức và Đức thì không vui vì điều đó".
Chính phủ Đức từ chối đưa ra bình luận về những thông tin này. Song các nguồn tin ngoại giao cho biết Đức không muốn bị lôi vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng như không muốn Trung Quốc tiếp tục nhắc tới quá khứ đau thương của mình.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần đề cập tới Chiến tranh Thế giới thứ Hai trong các chuyến thăm gần đây tới châu Âu. Năm 2012, cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, trong chuyến thăm trại giam Auschwitz của Đức xây tại Hà Lan khi chiếm đóng nước này, đã nói: "Chỉ có những người nhớ tới quá khứ mới có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp".
Truyền hình Quốc gia Trung Quốc mới đây đã chiếu cảnh cựu Thủ tướng Đức Willy Brant quỳ trước Đài tưởng niệm các nạn nhân của cuộc nổi dậy Warsaw Ghetto năm 1943 của người Do Thái và đã bị Đức đàn áp tàn bạo.
Về phần mình, Nhật Bản đã nhiều lần khẳng định sẽ đi theo con đường phát triển hoà bình. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho hay việc Trung Quốc so sánh Đức với Nhật là động thái khiêu khích nhằm làm gia tăng lo ngại trong khu vực. "Chúng ta phải nhớ tới quá khứ nhưng không thể chỉ sống trong quá khứ... Hoà giải không chỉ cần có sự chân thành và cử chỉ hối lỗi của bên từng là thủ phạm, mà còn cần tới sự chấp nhận của bên là nạn nhân".