Trên trang nhất của nguyệt san Chính trị thế giới (Pháp) số ra tháng 02/2014 có bài viết về nền kinh tế Triều Tiên của tác giả là giáo sư Patrick Maurus, thuộc Viện nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông tại Paris (INALCO).
Theo giáo sư Patrick Maurus nền kinh tế Triều Tiên không quá bi đát. Về tổng thể, Triều Tiên đang rất tích cực đổi mới và những “sự cố” xảy ra gần đây là hậu quả của sự xung đột giữa một bên là những người “đổi mới theo kiểu Trung Quốc”, tức làm kinh tế thị trường với một đảng lãnh đạo và một bên là những người thuộc thế hệ cũ, sợ rằng cải cách không khéo sẽ làm cho phe cánh của họ mất quyền lực.
Trên lĩnh vực kinh tế, giáo sư Patrick Maurus cho rằng, nền kinh tế Triều Tiên không quá nghèo nàn và khép kín như người ta tưởng. Trong tổng kim ngạch hàng nhập khẩu của Triều Tiên, người ta thấy có những cái tên khá “quen thuộc và nổi tiếng” như: Trung Quốc (chiếm 67,2%), Hàn Quốc (chiếm 19,4%), và Liên Hiệp Châu Âu (EU) là 3,6%. Ở chiều ngược lại, hàng xuất khẩu của Triều Tiên đi Trung Quốc chiếm 61,6%, đi Hàn Quốc chiếm 20%, và đi EU chiếm 4%. Danh sách các đối tác kinh tế quan trọng đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… ngày càng dài ra.
Dưới sự giúp đỡ của Hàn Quốc, Nhật Bản và nhất là Trung Quốc, Triều Tiên đã tiến hành khai thác một số mỏ dầu. Nhờ đó, nước này đã khắc phục được tình trạng thiếu năng lượng, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp.
Trong các cửa hàng lớn ở Bình Nhưỡng, có đủ loại sản phẩm cần thiết: quần áo, đồ điện tử, trang sức, điện thoại di động… và cũng không hề ít người mua. Chính sách giao dịch ngoại tệ cũng đã được nới lỏng.
Cho đến nay, Triều Tiên đã có 3 đặc khu kinh tế và đang lên kế hoạch mở thêm 19 đặc khu khác để kêu gọi các nhà đầu tư ngoại quốc. Điều đáng nói là dù hai miền Nam – Bắc Triều Tiên vẫn đang “hục hặc” nhưng Hàn Quốc lại là nhà cung ứng và bạn hàng thứ hai của Triều Tiên mà khu kinh tế chung Kaesong là ví dụ rõ ràng nhất. Còn ở vùng ranh giới giáp với Trung Quốc, thương nhân Triều Tiên hoạt động khá nhộn nhịp ở hai thành phố Đan Đông và Diên Cát của hai tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm.
Giáo sư Patrick Maurus cho rằng, xét về tổng thể, kinh tế Triều Tiên đang phát triển rất tốt và nếu có ai đó đặt câu hỏi: Trong tương lai, Triều Tiên có trở thành “con rồng nhỏ” ở Châu Á được không? Câu trả lời sẽ là: Có thể được, với điều kiện là chính sách cải tổ phải được tiếp tục và quan trọng nhất là “một nhà nước hiện đại” phải được thiết lập cùng với quá trình cải cách. Bài viết nhắc lại, sau khi bị các cuộc can thiệp nước ngoài hồi thế kỷ 20, sau khi bị Nhật Bản chiếm đóng, chính quyền được thiết lập và quá trình tái thiết đất nước thời hậu chiến, Triều Tiên đã có kinh nghiệm và đang trong giai đoạn phát triển phát triển kinh tế.
Thế nhưng, khó khăn đối với Bình Nhưỡng không chỉ có kinh tế, mà còn cả về mặt ý thức hệ. Dù kinh tế Triều Tiên có vẻ đang được cải cách và đang phát triển, thế nhưng nó chỉ diễn ra trong thực tế đời sống, còn trên phương diện chính thức thì nhà cầm quyền chưa biết đặt tên cho nền kinh tế của mình là gì.