Không phải Mỹ, tên lửa đạn đạo Iran nhằm vào đối thủ khác

Hải Võ |

Chuyên gia người Mỹ tin rằng việc Iran phát triển tên lửa đạn đạo không vi phạm thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký kết.

Nhà nghiên cứu Paul R. Pillar của Viện Brookings, Mỹ mới đây đã phân tích trên tạp chí Natinonal Interest (Mỹ) rằng các tên lửa của Iran không đe dọa Mỹ mà chỉ hành động để cảnh cáo, ngăn chặn các nước láng giềng của Tehran.

Washington hôm thứ Năm (31/12/2015) đã đe dọa áp đặt lệnh cấm vận nhằm vào Iran với cáo buộc nước này phát triển và sản xuất tên lửa, làm ảnh hưởng đến kết quả của thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được.

Giữa tháng 7/2015, Tehran và nhóm P5+1 đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về chương trình hạt nhân của Iran, có tên gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), tại thủ đô Vienna của Áo.

"Tên lửa đạn đạo của Iran không tạo ra mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ chừng nào Tehran không sở hữu các nguyên liệu phân hạch để chế tạo vũ khí hạt nhân nhằm sử dụng trên những tên lửa này.

Ngăn chặn khả năng sở hữu hạt nhân như vậy, đương nhiên, là việc mà JCPOA đang thực hiện," học giả Pillar viết.

Giáo sư Đại học Tehran, Iran
Seyed Mohammad Marandi
Điều duy nhất mà Iran không bị Mỹ đổ lỗi là "sự nóng lên toàn cầu". Điều thực sự khiến Washington khó chịu không phải là chương trình hạt nhân của Iran, mà bởi sự độc lập về chính trị của Tehran trước Mỹ.

Iran phát triển tên lửa để cân bằng với các đối thủ trong khu vực

Theo Paul Pillar, việc Tehran phát triển tên lửa có liên quan tới cuộc xung đột Iran-Iraq hồi thập niên 1980, khi các thành phố của cả 2 nước thường xuyên bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Trong khi đó, Ả Rập Saudi là một trong những quốc gia chủ yếu phổ biến vũ khí hạt nhân tại khu vực Trung Đông.

"Ngày nay, các lãnh đạo Iran nhìn qua khu vực Vùng Vịnh vào những đối thủ của họ ở Ả Rập Saudi và thấy một lực lượng tên lửa đông đảo, kết hợp công nghệ từ Trung Quốc và Pakistan.

Đây không phải lần đầu một lãnh đạo của Iran, bất chấp lập trường chính trị và tư tưởng, không phủ nhận sẽ tiếp tục nỗ lực nghiên cứu và phát triển lực lượng riêng của Iran."

Chính vì vậy, ông Pillar đánh giá, việc đánh giá chương trình tên lửa của Iran như một phần của chương trình hạt nhân là không hợp lý, bởi các cuộc thử nghiệm tên lửa "không vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào mà Tehran đã ký kết".

Trong một diễn biến khác, quan hệ Iran-Ả Rập Saudi đã trở nên căng thẳng ngay ngày đầu năm 2016, khi Riyadh hành quyết 47 người vì tội khủng bố, trong đó có giáo sĩ giáo sĩ dòng Shi'ite nổi tiếng Sheikh Nimr al-Nimr.

Tehran đã chỉ trích Ả Rập Sau đi sẽ phải "trả giá đắt" vì đã xử tử ông al-Nimr. Trong khi đó, những người biểu tình Iran hôm nay, 3/1, đã giận dữ tấn công Đại sứ quán Ả Rập tại nước này.

Theo thông tin từ ISNA, những người biểu tình sau thời gian tụ tập phản đối đã tiến vào bên trong tòa nhà Đại sứ quán Ả Rập Saudi và tiến hành đốt, phá.

Theo RT (Nga), cảnh sát Iran đã phải sử dụng hơi cay sau khi những người biểu tình quá khích ném bom xăng vào tòa nhà Đại sứ quán Ả Rập.

Trước đó, Bộ ngoại giao Iran đã ra thông báo kêu gọi người biểu tình giữ bình tĩnh và tôn trọng tài sản của cơ sở ngoại giao.

Chính phủ Mỹ cũng bày tỏ sự quan ngại việc Ả Rập Saudi xử tử Sheikh Nimr al-Nimr. Mỹ cho rằng hành động này có thể làm tăng căng thẳng giáo phái và kêu gọi các nhà lãnh đạo ở Trung Đông phải nỗ lực gấp đôi để tránh tình hình leo thang.

"Chúng tôi tái khẳng định lời kêu gọi chính phủ Ả Rập Saudi tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, đảm bảo thủ tục tố tụng tư pháp công bằng, minh bạch trong tất cả các trường hợp” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố ngay sau vụ hành quyết.

[Video] Hàng ngàn người biểu tình Iran bao vây Đại sứ quán Ả Rập Saudi ngày 3/1

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại