Nga đã gia tăng các biện pháp trừng phạt áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ, có hiệu lực kể từ tháng 1/2016.
Quan hệ Ankara-Moscow trở nên căng thẳng trầm trọng kể từ vụ Su-24 Nga bị bắn hạ hôm 24/11. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc máy bay Nga đã vi phạm không phận nước này, trong khi Nga bác bỏ và khẳng định chiếc máy bay ném bom chỉ thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố trong lãnh thổ Syria.
Unal Cevikoz, cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Anh, Chủ tịch Trung tâm chính sách Ankara bình luận trên đài Sputnik (Nga) rằng không nên kỳ vọng vào một bước tiến đáng kể trong quan hệ Nga-Thổ từ cả hai phía, thậm chí tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.
"Khi Nga áp đặt thêm biện pháp trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa ra hành động phản ứng làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ kinh tế và thương mại giữa 2 quốc gia," ông cho biết.
Cevikoz nói: "Tôi e rằng sẽ rất khó để Moscow và Ankara trở về tình trạng như trước ngày 24/11. Quan hệ Nga-Thổ đã phát triển từ thập niên trước và đạt được rất nhiều lợi ích chung đối với cả hai, nhưng giờ thì những ngày đó đã xa.
Tổng thống Nga đã gọi vụ Su-24 là 'cú đâm sau lưng', vì vậy tôi nghĩ rằng quan hệ giữ ông Vladmir Putin và Recep Tayyip Erdogan sẽ trở lại như trước."
Cựu quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề cập đến sự hiện diện của NATO tại nước này và chỉ ra hội đồng Nga-NATO, một kênh đối thoại giữa liên minh này với Moscow, không đạt được hiệu quả thực tế.
"Việc làm cho hội đồng Nga-NATO hoạt động hiệu quả là rất quan trọng, bởi sẽ lại có một cuộc khủng hoảng trong tương lai giống như Syria và giải pháp tốt nhất chính là kênh đối thoại này."
Chính quyền của ông Erdogan đã chống lại người Kurd, một lực lượng chống IS, ngay từ khi bắt đầu can thiệp vào Syria? (Ảnh: AFP)
Theo ông Cevikoz, Thổ Nhĩ Kỳ đã "chọn nhầm phe" ngay từ khi cuộc xung đột Syria mới bắt đầu. Ông cho rằng, Ankara đã đen đủi khi tự cô lập mình khỏi cộng đồng quốc tế.
"Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad là hướng giải quyết tốt nhất cho vấn đề Syria hiện nay.
Trên thực tế, một giải pháp khác có thể đã được tìm thấy từ 5 năm trước khi vấn đề cốt lõi Syria phải đối diện chỉ là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ankara, không may, đã không đặt ưu tiên hàng đầu của mình là mục tiêu chống khủng bố. Điều này tạo nên sự khác biệt lớn giữa Thổ và các quốc gia khác."
Chuyên gia này kỳ vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "nhanh chóng tìm lại hướng đi đúng" và tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.
Tuy nhiên, điều này dường như đang trở nên khó khăn hơn khi chính Ankara đang đối diện với nguy cơ bị đẩy vào tình trạng giống như ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ và nguy cơ nội chiến bùng phát
Sheikh - một nhà phân tích chính trị độc lập - đánh giá trên tờ New Eastern Outlook rằng việc giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận khả năng chia sẻ quyền lực với bộ phận thiểu số người Kurd ở quốc gia này đã khiến mâu thuẫn trở nên nghiêm trọng.
"Nếu phải tin vào lời tuyên bố 'chống khủng bố' của Tổng thống Erdogan thì chúng ta cũng sẽ tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của ông ta, là một trong những nước chống khủng bố tích cực nhất kể đầu cuộc xung đột hiện tại ở Trung Đông."
Trong khi đó, các cuộc xung đột bạo lực tiếp tục tạo ra "địa chấn chính trị" ở toàn khu vực Trung Đông, bao gồm các quốc gia chống lại nhau hay các lực lượng phi chính phủ chống lại các nước khác.
Theo Sheikh, không ở đâu mà các mâu thuẫn rõ rệt và nghiêm trọng hơn trường hợp của người Kurd, một trong những lực lượng dân quân thành công nhất trong hoạt động chống IS cho đến lúc này.
"Cuộc đấu tranh (của người Kurd) đã thành công lớn và đang ngày càng thành công hơn nữa thì điều này cũng khiến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ càng ở vào thế khó xử hơn.
Đây hiển nhiên là bằng chứng về cuộc chiến chống lại người Kurd ở cả trong và ngoài Thổ Nhĩ Kỳ mà ông Erdogan tiến hành."
Cảnh sát chống bạo động Thổ Nhĩ Kỳ dùng vòi rồng chặn người biểu tình chống lại lệnh giới nghiêm ở thành phố Diyarbakir hôm 22/12/2015. Người Kurd đã đòi quyền tự trị ở miền Đông Nam nước này. Ảnh: Reuters
Bên cạnh đó, nhà phân tích chỉ ra, chính quyền Ankara cũng xác định rằng "ý đồ lật đổ chính trị" của người Kurd không chỉ mở đường cho xung đột chính trị, mà còn "vô tình buộc họ (Ankara) bắt đầu một chiến dịch mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền lợi của mình".
Theo Sheikh, điều truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ chưa từng đề cập là "cuộc chiến chống người Kurd của ông Erdogan đã được tăng cường ngay từ khi Ankara can thiệp quân sự trực tiếp ở Iraq và Syria".
Căng thẳng đang leo thang ở khu vực người Kurd sinh sống chủ yếu thuộc vùng Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực đang rung chuyển bởi các lệnh giới nghiêm và lực lượng an ninh chống lại dân quân của đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Trong khi đó, PKK - đảng đối lập lớn thứ hai ở Thổ Nhĩ Kỳ, đang liên kết với Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) của người Kurd tại Syria và đóng vai trò quyết định trong việc chống lại sự xâm chiếm của IS trên lãnh thổ Syria, Sputnik News (Nga) cho hay.
Nhà phân tích Sheikh nhận định, việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ "không thể dung nạp về mặt chính trị (với người Kurd) gần như chắc chắn sẽ diễn biến thành xung đột xã hội mà hệ quả là đẩy nước này này đến một cuộc nội chiến toàn diện, giống như ở Iraq và Syria."
"Việc thiếu một khuôn khổ hiến pháp cũng như động thái tập trung ngày càng nhiều quyền lực cho chính phủ của Erdogan chắc chắn sẽ đem tới thảm họa hơn là sự ổn định," ông kết luận.