G7: Biển Đông sẽ "nóng" vì Tokyo "quyết đấu" với Bắc Kinh?

Hải Võ |

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra hôm nay (8/6) được cho là sẽ "nóng" bởi Tokyo quyết đưa việc chỉ trích "không đích danh" Trung Quốc về vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung.

Mỹ lo khủng hoảng Ukraine, Nhật Bản "độc diễn" vấn đề Biển Đông

Hội nghị thượng đỉnh G7 đã bắt đầu từ hôm qua (7/6) tại Đức. Trang Đa Chiều cho hay, các lãnh đạo G7 đều có những tính toán khác nhau.

Trong khi Mỹ hy vọng các đồng minh nhất trí tiếp tục trừng phạt Nga thì Nhật mong muốn G7 sẽ lên tiếng để kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông.

Kyodo News (Nhật Bản) hôm 7/6 đưa tin, các lãnh đạo G7 nhiều khả năng sẽ ra tuyên bố yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhóm này cũng sẽ xem Moscow và Bắc Kinh là "mục tiêu đối đầu".

Hồi tháng 4, Hội nghị ngoại trưởng G7 đã tổng kết các tuyên bố xung quanh hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, "phản đối mạnh mẽ chủ trương của Bắc Kinh dựa vào sức mạnh để tuyên bố chủ quyền và các quyền lợi (phi pháp) trong khu vực".

Theo Yomiuri, chính sách điều đình của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe là "đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao", thông qua tiêu chuẩn quốc tế về cơ sở chất lượng tốt phục vụ môi trường và con người để kềm hãm Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh đứng đầu.

Hãng tin Nhật Bản Jiji Press cho hay, trong bối cảnh Bắc Kinh đang trỗi dậy cả về kinh tế và quân sự, Thủ tướng Abe khẳng định sẽ phát ra "tín tiệu rõ ràng để kiềm chế Trung Quốc".

Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế (TQ)
Thôi Hồng Kiến
Động thái của ông Abe là cách để Tokyo 'trao đổi sự chú ý' đối với châu Âu, hy vọng phương Tây sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn đến vấn đề Biển Đông. Washington và Tokyo sẽ tìm ra tiếng nói chung về căn cứ pháp lý với châu Âu xoay quanh vấn đề Biển Đông. Liên minh châu Âu (EU) có thể không sẵn lòng 'để mắt' tới Biển Đông, nhưng cũng sẽ nhượng bộ Mỹ.
Các lãnh đạo nhóm G7 mở hội nghị thượng đỉnh tại Đức từ ngày 7/6. Ảnh: AFP

Các lãnh đạo nhóm G7 mở hội nghị thượng đỉnh tại Đức từ ngày 7/6. Ảnh: AFP

Trước các nước thành viên G7 đã tham gia AIIB là Anh, Pháp, Đức, Italy, ông Abe sẽ trực tiếp bày tỏ quan ngại đối với tổ chức tài chính này nhằm ngăn cản "âm mưu chia cắt G7 của Bắc Kinh".

Các quan chức nội các Nhật tháp tùng Thủ tướng Shinzo Abe cho hay, Nhật Bản tỏ thái độ cứng rắn về vấn đề Biển Đông xuất phát từ lo ngại Trung Quốc sẽ "bổn cũ soạn lại" chiêu trò ở Biển Đông với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà 2 nước cùng tuyên bố chủ quyền.

Ngoài Mỹ thì Nhật chính là nước đặt kỳ vọng lớn nhất vào việc châu Âu sẽ góp phần gia tăng áp lực lên Trung Quốc.

Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật hôm 6/6 dự đoán, tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh G7 nếu có liên quan tới vấn đề hải dương thì cũng sẽ tránh chỉ trích đích danh Trung Quốc, trong khi vẫn phản đối việc Bắc Kinh trắng trợn thay đổi hiện trạng các đảo đá trên Biển Đông.

Trang Đa Chiều nhận định, dù thế nào, mục đích của G7 vẫn là đối đầu với Trung Quốc.

GS Viện QHQT ĐH Nhân dân TQ
Kim Xán Vinh
Mỹ-Nhật muốn 'bắt cóc' cả diễn đàn G7 để làm nổi bật vấn đề Biển Đông. Dù châu Âu không giúp được gì nhiều, nhưng song phương rất có thể sẽ trao đổi về trọng tâm cần chú ý. Đây cũng có thể là nguyên nhân sâu xa Hội nghị bộ trưởng tài chính G7 tuyên bố đưa đồng NDT vào giỏ tiền tệ (SDR) của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)

Tờ Nikkei của Nhật bình luận, ông Shinzo Abe đã thực hiện chuyến thăm Ukraine trước khi hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra, mục đích nhằm thể hiện "khối đoàn kết G7", khi mà Washington còn tỏ ra nghi ngại về việc Tokyo xích lại gần nga.

Tại Kiev, Thủ tướng Nhật cũng tuyên bố gói vay lãi suất thấp 1.1 tỷ USD cho Ukraine, đồng thời "tặng" cảnh sát nước này 1.500 chiếc xe hybrid.

Đa Chiều bình luận, việc Nhật Bản quyết đưa vấn đề Biển Đông vào hội nghị G7 nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một đồng minh khác của Mỹ ở châu Á là Philippines.

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Herminio Coloma khi được hỏi về vấn đề này đã lập tức trả lời: "Việc đàm phán giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, trật tự là phù hợp với lập trường của chúng tôi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại