Tiết lộ thành viên mới của "liên minh" khắc chế TQ trên Biển Đông

Đức Huy |

Washington Times cho hay, chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã giúp Mỹ "kéo" thêm 1 quốc gia vào chiến dịch chế ngự Trung Quốc trên Biển Đông.

Xây dựng "liên minh"

Washington Times đánh giá, kết quả đạt được trong chuyến công du tới Ấn Độ tuần vừa qua của ông Carter là bước tiến triển mới nhất trong chiến dịch xây dựng một "liên minh" chống lại sự bành trướng phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tại New Delhi, ông chủ Lầu Năm Góc và người đồng cấp bên phía Ấn Độ Manohar Parrikar đã đặt bút kí vào bản hiệp ước quốc phòng kéo dài 10 năm, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quân sự đôi bên.

Trong một tuyên bố chính thức, Bộ Quốc phòng Mỹ không ngần ngại khẳng định chuyến công du của ông Carter tới Ấn Độ là một phần của chiến dịch "tái cân bằng ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương" của Mỹ nhắm đến Trung Quốc.

Ông Carter và ông Parrikar

Ông Parrikar và ông Carter. Ảnh: AP

Bản thân ông Carter cũng nói rằng, việc Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực, đi kèm với sự phát triển của Ấn Độ, Singapore, hay Việt Nam, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chế ngự sự hung hăng của Trung Quốc, đặc biệt là trên Biển Đông.

"Hai yếu tố này sẽ tương trợ lẫn nhau trong việc đảm bảo an ninh hàng hải" - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu.

Tóm lược lại tình hình, trong những tháng gần đây Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh xây dựng trái phép trên các đảo đá nhân tạo nhằm phục vụ mưu đồ bành trướng của mình. Một số đảo thậm chí đã đủ rộng để xây dựng đường băng.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng thể hiện sự ngang ngược của mình với việc liên tiếp tìm cách ngăn cản không cho tàu bè quốc tế đi lại trên biển, gần những đảo đá Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Trước tình hình đó, theo chuyên gia Robert Manning thuộc Hội đồng Nghiên cứu Đại Tây Dương, Mỹ đang đẩy mạnh việc xây dựng một "liên minh" với mục tiêu đảm bảo an ninh khu vực.

NHÀ NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH TRUNG QUỐC
TẠ DIỄM MAI
Giới địa chính trị Bắc Kinh dường như vẫn bị "ám ảnh" bởi suy nghĩ rằng Mỹ sinh ra là để kìm hãm Trung Quốc, rằng mỗi chính sách Mỹ đặt ra cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều mang trong nó một điều gì đó bất lợi đối với Trung Quốc.

"Những gì Mỹ đang làm, qua các hiệp ước quốc phòng kí kết với Nhật Bản, hay tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng với Việt Nam, đó là xây dựng một khối 'liên minh' gồm các đồng minh và đối tác an ninh trong khu vực.

Và hiệp ước kí kết với Ấn Độ gần đây là bước đi mới nhất trong chiến dịch chế ngự [Trung Quốc trên Biển Đông]" - ông Manning nhận định.

Ấn Độ gia nhập?

Đáng chú ý, từ trước đến nay chính sách đối ngoại của Ấn Độ vẫn là trung lập đối với tuyệt đại đa số các vấn đề trên thế giới, và điều này nhiều khả năng sẽ không thay đổi, theo phân tích của Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc The Heritage Foundation.

Ông Lohman cho rằng, dù hiệp ước kí với Mỹ là một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương, tuy nhiên lập trường trung lập của Ấn Độ sẽ không thay đổi.

"Bằng chứng là dù Ấn Độ có mua trang thiết bị quốc phòng từ Mỹ, họ cũng làm điều tương tự với Nga, để tránh bị lệ thuộc quá nhiều vào một đối tác nhất định" - chuyên gia này cho biết.

Do đó, ông Lohman khẳng định New Delhi sẽ không "hồ hởi" sát cánh Mỹ trong chiến dịch chế ngự Trung Quốc. Họ lo ngại nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng tới chính sách trung lập của mình.

Nhưng theo Washington Times, Mỹ và Ấn Độ có lợi ích chung trên Biển Đông, và Washington hoàn toàn có thể đã sử dụng luận điểm này để thuyết phục New Delhi tham gia vào "liên minh".

Việc Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền trái phép trên 90% diện tích Biển Đông, nơi giàu tài nguyên khí đốt và là trung tâm trao đổi hàng hóa với nhiều tàu thuyền qua lại, cũng ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích quốc gia của Ấn Độ.

Ngoài ra, quan hệ Trung - Ấn từ trước đến nay vẫn chưa bao giờ được đánh giá là ổn định. Việc Trung Quốc quá thân thiết với Pakistan, quốc gia tranh chấp vùng Kashmir với Ấn Độ, đã không ít lần khiến New Delhi "nóng mặt".

Kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc cũng là điều mà Ấn Độ dù không thể hiện rõ ràng nhưng đã và đang thực hiện. Đó là những lý do tại sao Washington Times cho rằng nhiều khả năng ông Carter đã thuyết phục được New Delhi gia nhập "liên minh" của mình.

Vai trò của Ấn Độ trong "liên minh"

Trong cuộc họp báo hôm thứ năm (4/6) vừa qua, Lầu Năm Góc từ chối bình luận về mục tiêu của ông Carter trong chuyến công du châu Á mới đây.

Tuy nhiên, tại Đối thoại Shangri-La, chính người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ đã nói rằng ông trông chờ Ấn Độ sẽ củng cố vai trò của mình trong công cuộc bình ổn an ninh khu vực.

"Nước Mỹ tin rằng Ấn Độ sẽ không những phát triển về kinh tế và quân sự mà còn là một chốt chặn đảm bảo an ninh khu vực hiện tại cũng như trong tương lai" - ông Carter phát biểu.

Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu vì Hòa bình Thế giới Carnegie, ông Douglas Paal, nhận định, hợp tác trong việc chế ngự Trung Quốc trên Biển Đông là mục tiêu lâu dài trong việc đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ của Mỹ.

"Đó đơn giản là kêu gọi bạn bè và đồng minh tham gia bảo vệ trật tự thế giới. Những gì đã được thiết lập tại Tây Thái Bình Dương suốt hơn 70 năm qua cần được gìn giữ, và người Ấn Độ có thể là một phần của mục tiêu đó" - ông cho biết.

Còn với Ấn Độ, theo ông, Biển Đông cũng chỉ là một phần. Những gì New Delhi làm còn phục vụ cuộc chiến nơi biên giới nước họ, hay những cạnh tranh với kình địch lâu năm Trung Quốc, hay nhiều lý do khác nữa.

Nhưng dù vì lý do gì, thì xem ra "liên minh" chế ngự Trung Quốc trên Biển Đông do Mỹ khởi xướng đã có thêm một thành viên hùng mạnh nữa gia nhập hàng ngũ của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại