Trong bài viết dự kiến sẽ được đăng tải trong bản in số tháng 6 của tạp chí National Interest, ông Gelb khuyên Mỹ nên tránh để đồng minh hay các nước thân cận như Ukraine nghĩ rằng họ có thể đối đầu với Nga một cách thoải mái vì đã có Washington ở đằng sau.
Thay vào đó, chuyên gia này cho rằng Mỹ nên chuyển sang chính sách theo hướng giảm căng thẳng, nhưng không hoàn toàn nhún nhường.
Cụ thể, ông Gelb khuyên Washington không nên đối xử với Moscow như một kẻ địch, mà cần có một sự linh hoạt và tỉnh táo trong chính sách, lúc thì cứng rắn với Nga như một đối thủ, lúc lại nên tôn trọng Nga như một đối tác.
Bài viết của cựu Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Mỹ cũng kêu gọi Mỹ đã đến lúc phải thay đổi lập trường với Nga, đặc biệt là khi quan hệ hai nước đang có nhiều rạn nứt trong nhiều năm trở lại đây và chưa có dấu hiệu được cải thiện.
Dưới đây là một số trích đoạn trong bài phân tích của chuyên gia Gelb:
Những ai trông chờ vào việc cô lập Nga thật ra chưa hề tính đến việc một liên minh hùng mạnh và quyết đoán khi theo đuổi những lợi ích và tôn vinh những giá trị của mình cùng lúc đó cũng sẽ tạo ra những 'kháng thể'.
Sức mạnh quân sự và những nước cờ đánh vào kinh tế như lệnh trừng phạt là một phần không thể thiếu của chính sách đối ngoại.
Tuy nhiên, khi áp dụng chúng mà không có mục tiêu chiến lược cũng như phương pháp ngoại giao hợp lý đi kèm, những biện pháp mạnh tay này sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát và gây ra những hậu quả khôn lường.
Từng lãnh đạo nước Mỹ trong vụ khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 mà theo ông đã có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân với Liên Xô, cựu Tổng thống John Kennedy đã giành nhiều thời gian suy ngẫm những bài học rút ra được từ vụ việc này.
Và bài học quan trọng nhất mà ông để lại cho những ông chủ Nhà Trắng sau đó có thể gói gọn trong một câu nói:
'Trên tất cả, khi bảo vệ lợi ích quốc gia, những cường quốc hạt nhân cần tránh bằng mọi giá những cuộc đối đầu có thể khiến đối thủ của mình lâm vào đường cùng chỉ với 2 lựa chọn: hoặc rút lui trong tủi hổ, hoặc phát động chiến tranh hạt nhân'.
Tóm lại, ông Gelb cho rằng đây là một bài học mà giới cầm quyền Mỹ nên áp dụng để đương đầu với những thử thách do Nga đặt ra. Và năm 2016 tới đây sẽ là thước đo cho việc liệu quan hệ hai nước có cải thiện từ những thay đổi chính sách hay sẽ tiếp tục xấu đi.
Bài viết của ông dự kiến sẽ được đăng tải trên bản in số ra tháng 6 của tạp chí National Interest.