Tờ WSJ hôm 1/6 bình luận, vào thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nước Đức đã quyết định thách thức "bá chủ thế giới" khi đó là Anh. Berlin khi ấy đã tiến hành một cuộc chạy đua vũ trang với London mà kết cục chính là sự bùng nổ của Thế chiến I (1914).
WSJ cho rằng, ngày nay, một quốc gia trên đất liền khác đang thèm muốn gây nên những sóng gió trên đại dương nhằm vào Mỹ. Nước này chính là Trung Quốc.
Vấn đề đặt ra là, Washington có đủ khả năng ngăn chặn Trung Quốc, trước khi Bắc Kinh đạt được thế thượng phong chiến lược để thực hiện dã tâm của mình?
Bài bình luận này của WSJ được đăng tải sau khi tác giả bài viết "tham thấu kỹ lưỡng báo cáo 'chiến lược quân sự Trung Quốc' (sách trắng) 2015".
Theo đó, điểm nhấn được WSJ chú ý nhất chính là tuyên bố: "(Trung Quốc) phải phá vỡ tư duy truyền thống là trọng đất liền-khinh đại dương, phải chú trọng chiến lược hải dương ở mức độ cao, bảo vệ quyền lợi trên biển".
Để thực hiện mục tiêu "vươn ra đại dương" này, Bắc Kinh đã lớn tiếng khẳng định sẽ đấu tranh để giành thế chủ động chiến lược về quân sự, "tích cực vạch đường lối đấu tranh trên mọi lĩnh vực quân sự"...
Hàng loạt hành động trái phép cũng như các tuyên bố ngang ngược và khiêu khích, hay những lời ngụy biện của Bắc Kinh trên Biển Đông không đều không qua được mắt của các nước láng giềng và Washington.
Theo WSJ, đây là sự thực mà về lý thuyết cần phải được nhìn nhận từ trước khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chiến lược "xoay trục châu Á-Thái Bình Dương" trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Chiến lược này ban đầu yêu cầu Hải quân Mỹ tập trung 50% lực lượng tàu chiến đến Thái Bình Dương, đồng thời đặc biệt tăng cường quan hệ đối tác hợp tác quân sự với Australia và Singapore.
Tuy nhiên, WSJ nhận định đến thời điểm hiện tại thì "xoay trục châu Á" vẫn chỉ là một khẩu hiệu chưa thực tế.
Theo các văn kiện của Hải quân Mỹ, năm 2015 Mỹ sẽ bố trí khoảng 58 tàu chiến đến Tây Thái Bình Dương. Tới 2020, con số này dự kiến là khoảng 64 chiếc.
Tổng số tàu chiến của Mỹ hiện nay vào khoảng 289 chiếc, bằng 1/2 so với thời Chiến tranh Lạnh và chưa thể đáp ứng được nhu cầu đối với chiến lược "xoay trục" của Washington là 306 tàu chiến.
Tàu tác chiến ven biển USS Fort Worth của Hải quân Mỹ bị tàu Trung Quốc đeo bám khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông hồi giữa tháng 5.
Về phía Trung Quốc, chiến lược quốc phòng mới của quốc gia này yêu cầu Hải quân từng bước thực hiện chuyển đổi từ "phòng vệ cận hải" sang "phòng vệ cận hải kết hợp bảo vệ viễn dương".
Báo cáo của Cục tình báo Hải quân Lầu Năm Góc cho hay, từ năm 2013 đến 2014, số lượng tàu chiến mà Trung Quốc hạ thủy "nhiều hơn bất cứ quốc gia nào".
Bắc Kinh cũng dự kiến tăng ngân sách quốc phòng 2015 thêm khoảng 10% lên 144 tỷ USD. Trong đó tỷ trọng không nhỏ được dành để hiện đại hóa toàn diện hải quân nước này.
Cơ quan này cũng đưa ra dự đoán, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ bố trí tới 78 tàu ngầm và 170 tàu nổi, trong đó phần lớn là các tàu có thiết kế hiện đại.
WSJ đặt giả thiết nếu Bắc Kinh sẽ bố trí phần lớn tàu của mình tại Tây Thái Bình Dương, thì điều này đồng nghĩa với 64 tàu nổi và ngầm của Mỹ ở đây sẽ phải đương đầu với 248 tàu của Trung Quốc.
Trung Quốc đông nhưng có mạnh?
Cũng theo nhận định của WSJ, hiện nay Hải quân Mỹ vẫn duy trì được ưu thế vượt trội và mang tính quyết định về kỹ thuật so với Trung Quốc.
Các quan chức Hải quân Mỹ từng tuyên bố, trong cuộc diễn tập quân sự chung, kỹ năng hàng hải của Hải quân Trung Quốc không để lại cho họ ấn tượng gì.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn cố chấp đầu tư vào nâng cao sức mạnh quân sự "không cân xứng (với Mỹ)".
WSJ đánh giá, Mỹ vẫn đang là nước thắng thế trong cuộc đối đầu trên biển với Trung Quốc, nhưng Washington đang để sức mạnh trên biển của mình bị tụt hậu, đến mức Bắc Kinh "tưởng rằng đã có thể 'đứng ngang vai' với Mỹ".
Theo đó, trong một chương được đánh giá là "quyết liệt" của sách trắng 2015, Bắc Kinh cao giọng chỉ trích "một số quốc gia ngoài khu vực (chỉ Mỹ - PV) đang ra sức nhúng tay vào sự vụ ở Biển Đông".
Bắc Kinh cũng ám chỉ Mỹ và các đối tác chính là "những kẻ xâm lược (đối với các đảo đá trên Biển Đông mà Trung Quốc đã chiếm đoạt và tuyên bố chủ quyền phi pháp - PV)".
Theo WSJ, thời gian gần đây, chính quyền của Tổng thống Obama đang có những bước đi đúng đắn khi điều máy bay do thám P-8A Poseidon cùng tàu tác chiến ven biển hiện đại USS Fort Worth thực hiện nhiệm vụ trinh sát, giám sát các đảo đá bị Trung Quốc chiếm trái phép ở Biển Đông.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng không ngần ngại khẳng định Washington có ý định đưa tàu chiến và máy bay vào khu vực 12 hải lý các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây phi pháp.
Tuy vậy, WSJ kết luận, biện pháp duy nhất để khiến Trung Quốc phải "nghĩ lại" về chiến lược dài hơi của họ chính là: Mỹ phải buộc Bắc Kinh tin rằng, nước này "không có cửa" đánh thắng Hải quân Mỹ và việc chạy đua sức mạnh Hải quân sẽ chỉ là "công dã tràng".