Biển Đông: Ai cũng hiểu chỉ Trung Quốc không hiểu

Đức Huy |

Theo phân tích của trang Lowy Interpreter (Australia), dù Mỹ đã khẳng định lập trường rất rõ ràng trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc lại hiểu điều đó theo một nghĩa hoàn toàn khác.

"Không có nghi ngờ gì nữa: Mỹ sẽ điều máy bay trên không, điều tàu ra biển, và hoạt động ở bất kì nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".

Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trước các quan chức quân đội cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hội nghị Shangri-La tuần trước đã được rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng đăng tải.

Ông Carter khẳng định, tuyên bố trên, cộng với việc điều máy bay trinh thám P-8 Poseidon tới gần các đảo đá nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép, là cách để Mỹ cho thế giới thấy nước này sẽ tiếp tục "bảo vệ quyền tự do đi lại và luật pháp quốc tế" trên Biển Đông.

Nhưng Trung Quốc lại không hiểu được như vậy.

Theo phân tích của nhà nghiên cứu Yanmei Xie (Tạ Diễm Mai) đăng trên The Interpreter, Bắc Kinh cho rằng những gì Washington đang làm có ý đồ kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, một lối suy nghĩ rất phổ biến trong giới địa chính trị nước này.

"Cách nghĩ như vậy sẽ dẫn đến hậu quả" - bà Tạ nhận định.

Nhà nghiên cứu chính sách trung quốc
Tạ Diễm Mai
Tạ Diễm Mai hiện đang là chuyên viên cấp cao của Tổ chức Quốc tế Crisis, có trụ sở đặt tại Bắc Kinh. Bà nghiên cứu về các chính sách đối ngoại của Trung Quốc và tác động của nó đối với các giao tranh trên thế giới. Trước khi gia nhập Crisis vào năm 2012, bà từng là phóng viên kênh C-Span, Fox News (Mỹ), và kênh trung ương CCTV của Trung Quốc.

Việc gìn giữ lợi ích chung toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng với Trung Quốc, vì điều đó có tác động trực tiếp lên nền kinh tế mạnh về thương mại của Trung Quốc.

Do đó, theo bà Tạ, các bên liên quan hoàn toàn có thể dùng lý do này để thuyết phục Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động xây dựng cải tạo phi pháp gây ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích chung toàn cầu, mà ở đây là quyền tự do đi lại trên Biển Đông.

Tuy nhiên, nếu sự phản đối hướng tới Bắc Kinh lại xoay quanh những tranh chấp quyền lực và tầm ảnh hưởng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung, điều này sẽ lại đẩy căng thẳng trong khu vực lên cao và tạo ra một cuộc chiến mà chỉ một bên có lợi.

"Diều hâu" Trung Quốc ngày một ngang ngược

Bất kì dấu hiệu kìm hãm Trung Quốc nào từ phía Mỹ, theo bà Tạ, sẽ tiếp tục là cái cớ để hội "diều hâu" Trung Quốc thúc đẩy bành trướng và quân sự hóa phi pháp trên các đảo đá nhân tạo nước này đang chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.

Mới đây, một bộ phận không nhỏ các tướng lĩnh cấp cao trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã ngông cuồng dọa sẽ thiết lập Vùng Định dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông để ngăn chặn những vụ việc tương tự như P-8 Poseidon.

Sự ngang ngược ngày một gia tăng của "diều hâu" Trung Quốc cũng củng cố một suy nghĩ đã và đang hiện hữu trong giới cầm quyền Washington, rằng Bắc Kinh không chỉ muốn thách thức vai trò đảm bảo an ninh khu vực của Mỹ, mà còn có ý đồ đảo ngược trật tự thế giới.

Nếu hai bên cứ suy nghĩ theo hướng diều hâu như vậy, Biển Đông chẳng mấy chốc sẽ biến thành một võ đài với những cuộc giao tranh không khoan nhượng giữa hai cường quốc, viễn cảnh mà bất kì quốc gia nào trong khu vực cũng muốn tránh.

Mỹ nên làm gì?

Theo bà Tạ, Mỹ cần liên tục nhấn mạnh những gì họ đang làm trên Biển Đông nhằm mục đích bảo vệ luật pháp quốc tế chứ không phải khẳng định sức mạnh quân sự trên biển. Và có rất nhiều cách để Washington làm được điều đó.

Trong tháng 6, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long sẽ có chuyến thăm Washington để thảo luận về các vấn đề quân sự mà đôi bên cùng quan tâm.

Xa hơn nữa, tháng 9 tới đây, người đứng đầu hai nước sẽ có một cuộc gặp trực tiếp, trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ rất được trông đợi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cuộc gặp cực kì quan trọng giữa Tập Cận Bình và Barack Obama sẽ diễn ra vào tháng 9 tới đây. Ảnh: AP

Cuộc gặp cực kì quan trọng giữa Tập Cận Bình và Barack Obama sẽ diễn ra vào tháng 9 tới đây. Ảnh: AP

Tuy nhiên, theo bà Tạ, cũng phải thừa nhận rằng sự thiếu tin tưởng của Bắc Kinh đối với Washington nhiều khả năng sẽ là một trở ngại quá lớn, dẫn đến việc ngay cả đối thoại giữa những quan chức cấp cao cũng không thể thay đổi lập trường Trung Quốc.

Chuyên gia này cũng nói thêm, giới địa chính trị Bắc Kinh dường như vẫn bị "ám ảnh" bởi suy nghĩ rằng Mỹ sinh ra là để kìm hãm Trung Quốc, rằng mỗi chính sách Mỹ đặt ra cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều mang trong nó một điều gì đó bất lợi đối với Trung Quốc.

"Do đó, sẽ rất khó để khiến Trung Quốc loại bỏ suy nghĩ này ra khỏi đầu.

Nhiều khả năng họ vẫn sẽ cho rằng những gì Mỹ đang làm trên Biển Đông không có mục đích gì khác ngoài việc gia tăng ảnh hưởng cũng như kìm hãm thế lực của Trung Quốc trong khu vực" - bà nhận định.

Nếu Trung Quốc và Mỹ không thể nhanh chóng tháo gỡ những định kiến này, tình hình Biển Đông sẽ còn phức tạp trong thời gian tới, khi hai cường quốc tiếp tục "không ai chịu ai". 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại