Thế chân vạc và Biển Đông
Như chúng tôi đã phân tích ở một số bài viết trước đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vài thập niên vừa qua đang tạo ra một trật tự mới trong tình hình địa chính trị thế giới hiện tại, với nhiều nét tương đồng với thế chân vạc thời Tam Quốc.
Cụ thể, với tiềm lực kinh tế, quân sự, cũng như tầm ảnh hưởng lên các quốc gia trong khu vực, Mỹ-Nga-Trung đang tạo ra một tam giác quyền lực trên trường quốc tế.
Với tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, tiếng nói của ba "ông lớn" này trong các xung đột tranh chấp luôn có trọng lượng đáng kể. Với các vấn đề mang tầm cỡ toàn cầu, việc cả ba cường quốc đều nhúng tay vào là chuyện không có gì bất ngờ.
Khi đó, sự cạnh tranh giữa ba nước trong thế chân vạc, theo phân tích của cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon, thường chỉ diễn ra qua một bên thứ ba (Ukraine, Bắc Phi, Trung Đông) thay vì những màn đối đầu trực tiếp.
Nhưng Biển Đông là một ngoại lệ.
Trong thời gian qua, kể từ khi Yancheng bám đuôi USS Fort Worth gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 12/5 cho đến màn "đấu khẩu" tại Shangri-La cuối tuần trước, Trung Quốc và Mỹ đã có hàng loạt những màn đối đầu lớn nhỏ xung quanh vấn đề Biển Đông.
Tàu USS Fort Worth tuần tra trên Biển Đông
Nói cách khác, giao tranh giữa Bắc Kinh và Washington rõ ràng sẽ không diễn ra qua một bên thứ ba như cách ông Menon đã phân tích, mà đây thật sự có khả năng trở thành một cuộc chạm trán trực tiếp giữa hai cường quốc trong chân vạc.
Trước tình hình đó, bên thứ ba sẽ làm gì?
Nga đang làm gì trên Biển Đông?
Mới đây, hãng tin RT dẫn phát biểu của Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho biết, Nga và Trung Quốc đang lên kế hoạch tập trận trên Biển Đông.
Ông Antonov phát biểu, cuộc tập trận này sẽ có sự tham gia của các đồng minh và đối tác của Nga tại châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ngoại trừ Trung Quốc, Thứ trưởng Quốc phòng Nga không nói cụ thể hải quân nước nào sẽ có mặt trong buổi tập trận.
"Chúng tôi lo ngại trước chính sách của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, nhất là khi càng ngày nó càng cho thấy rõ ràng ý đồ kiểm soát tầm ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc" - ông Antonov phát biểu.
Như vậy, từ phát ngôn của Thứ trưởng Quốc phòng Nga, có thể thấy Moscow và Bắc Kinh thống nhất sẽ đóng vai "nạn nhân" của Mỹ, khi cả hai cùng coi Washington mới thực sự là "phe gây bất ổn" trên Biển Đông.
Nhưng liệu Nga có thực sự sẽ về nghiêng về phía Trung Quốc?
Nên nhớ rằng Nga có quan hệ ngoại giao khá mật thiết với một số quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Sức mạnh Hải quân Việt Nam đã và đang được tăng cường đáng kể từ những tàu chiến nhập về hoặc tự đóng theo giấy phép chuyển giao công nghệ Nga.
Với 3 tàu Kilo trang bị tên lửa hành trình Klub và 2 tàu tên lửa Molniya Việt Nam có được từ Nga, Trung Quốc đã công khai tỏ thái độ không hài lòng với Nga, theo thông tin từ Strategy Page.
Ngoài ra, bản thân Nga từ trước đến nay, trong chính sách "Hướng Đông" của mình, vẫn luôn tìm cách để tránh lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, điển hình là quyết tâm bênh vực Triều Tiên để thúc đẩy đàm phán hạt nhân 6 bên của Moscow.
Do đó, sẽ là quá sớm để nói rằng Nga có ý "bênh" Trung Quốc trên Biển Đông. Nhiều khả năng đây chỉ là cách để Moscow nhắc nhở Washington ngừng can thiệp vào "việc riêng" của hai nước còn lại trong chân vạc.
Nguy cơ chiến tranh
Trước tình hình căng thẳng leo thang như hiện nay, khả năng xảy ra giao tranh trên Biển Đông, theo cựu binh Hải quân - chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc Bernard Cole thuộc Học viện Quân sự Quốc gia Mỹ (NWC), đang ở mức trên 50%.
Trong những ngày gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng khẳng định rõ lập trường rằng Washington sẽ không lùi bước trên Biển Đông.
"Không có nghi ngờ gì nữa: Mỹ sẽ điều máy bay trên không, điều tàu ra biển, và hoạt động ở bất kì nơi nào luật pháp quốc tế cho phép" - ông Carter phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á Shangri-La tại Singapore tuần trước.
Nhiều nhà phân tích địa chính trị Mỹ trước đây vẫn gọi chính sách đối ngoại Mỹ là một "cuộc chiến tranh không hồi kết", với tâm thế rằng Washington phải là "số một thế giới".
Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Barack Obama, theo phân tích của tác giả Polina Tikhonova trên trang ValueWalk, có thể thấy Mỹ đang hành xử tương đối "mềm mỏng" khi phải đối đầu với Nga, qua việc chần chừ không hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine.
Do đó, Trung Quốc nhận thấy Mỹ ngày nay có thể bị "bắt nạt", và muốn tận dụng thời cơ này để đẩy mạnh các hành vi bành trướng phi pháp của mình trên Biển Đông.
Tuy nhiên, với sự cứng rắn hiện tại của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, phe nắm giữ lưỡng viện Mỹ, căng thẳng Mỹ - Trung sẽ còn tiếp diễn.
Thêm vào đó, với việc nhiệm kì của ông Obama sắp kết thúc, bà Tikhonova cho rằng nhiều khả năng giao tranh sẽ nổ ra trên Biển Đông sau khi Mỹ công bố ông/bà chủ Nhà Trắng mới vào năm 2016.
Khi đó, thế chân vạc sẽ còn biến đổi khôn lường.