Trung Quốc lấy Biển Đông che lấp yếu kém tăng trưởng kinh tế?

Minh Thu |

Nhằm đánh lạc hướng dân chúng khi nền kinh tế tăng trưởng chậm và khơi dậy chủ nghĩa dân tộc trong nước, chính phủ Trung Quốc đã khơi mào trò chơi nguy hiểm nhất thế giới: Căng thẳng trên Biển Đông.

Trong nỗ lực khơi dậy chủ nghĩa dân tộc và đánh lạc hướng chú ý của người dân trong nước trước tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường hành động xâm chiếm Biển Đông và gây hấn với nhiều quốc gia láng giềng bao gồm Nhật Bản.

Theo Business Insider, đây là một trong những trò chơi nguy hiểm nhất trên thế giới mà chính phủ Bắc Kinh đang khơi mào.

Hải quân Trung Quốc tổ chức buổi lễ tưởng niệm các binh sĩ hy sinh trong cuộc chiến Trung - Nhật.

Trong hơn một năm qua, Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ bồi đắp và xây dựng tại các bãi cạn và rạn san hô trên Biển Đông với tổng diện tích lên tới 800 hecta.

Hồi tháng Tư, các bức ảnh vệ tinh còn tố cáo quân đội Trung Quốc triển khai xây dựng một đường băng đủ rộng để phục vụ các máy bay quân sự.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn ngang nhiên biện minh rằng Bắc Kinh có bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền hợp pháp tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Tờ Thời báo Hoàn Cầu còn khẳng định mọi nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn cản Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông chắc chắn sẽ dẫn tới một cuộc chiến.

"Nếu mục tiêu cuối cùng của Mỹ là buộc Trung Quốc từ bỏ hoạt động xây dựng, một cuộc chiến trên Biển Đông giữa Mỹ - Trung là điều chắc chắn xảy ra.

Mức độ căng thẳng của cuộc xung đột này lớn hơn những gì mọi người nghĩ chỉ là một trận 'xích mích'", Thời báo Hoàn Cầu viết.

Theo Business Insider, rõ ràng, khơi dậy chủ nghĩa dân tộc chính là cách phản ứng của chính quyền Bắc Kinh trước tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Theo đó, chính phủ Trung Quốc đang hướng người dân dần chấp nhận một "sự bình thường mới" trong bối cảnh tăng trưởng chậm, nợ công chiếm gần 300% GDP, các công ty xây dựng và bất động sản phá sản và tín dụng cạn kiệt.

Tuy nhiên, để duy trì sức nóng của tư tưởng chủ nghĩa dân tộc trong nước, Trung Quốc cần khơi mào căng thẳng trên Biển Đông.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành động xâm chiếm và vi phạm "các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế vốn thiết lập cấu trúc an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như sự đồng lòng trong khu vực về việc ưu tiên ngoại giao và phản đối hành động ép buộc".

Song, Trung Quốc lại có những hành động đơn phương và tuyên bố phi lý đi ngược lại quy tắc hòa bình thế giới.

"Hành động xây dựng trên Biển Đông của Trung Quốc diễn ra trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Những hoạt động này là hoàn toàn hợp pháp và hợp lý", Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh sau khi Bộ trưởng Carter đưa ra lời bình luận phản đối Bắc Kinh tại Đối thoại Shangri- La ở Singapore.

Bà Hoa còn nói thêm: "Hành động xây dựng của Trung Quốc trên các hòn đảo và bãi cạn tại quần đảo Trường Sa hoàn toàn nằm trong chủ quyền của Trung Quốc.

Hành động này hợp pháp và hợp lý, không ảnh hưởng tới bất cứ quốc gia nào".

Tuy nhiên, một số quốc gia tỏ ra không đồng tình với tuyên bố trên của Trung Quốc, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản.

Trong những năm qua, tại Hội thảo Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, các nhà lãnh đạo thế giới đã chỉ ra được mối đe dọa lớn nhất tới sự ổn định trên toàn cầu.

Đó không phải là tình hình chiến sự ở Iraq, hay nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và cũng không phải là Iran.

Đó là thảm họa từ cuộc xung đột tiềm năng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên Biển Đông. Bởi cuộc xung đột này có thể bùng nổ bất cứ lúc nào vì những hành động bất cẩn của cả hai bên.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Yuncheng 571 của Hải quân Trung Quốc.

Còn giờ đây, để giữ thể diện với người dân trong nước trước tình trạng kinh tế sụt giảm, chính phủ Trung Quốc đang phạm phải lỗi bất cẩn trên Biển Đông.

Giới học giả, nhà báo và chính trị gia thế giới đều đang tỏ ra hoài nghi về cái gọi là bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền trên Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra.

Trong khi, chính quyền Bắc Kinh ra rả luận điệu bảo vệ hòa bình thì quân đội Trung Quốc lại đang tiếp tục có những hành động củng cố sức mạnh quân sự sẵn sàng đối đầu với bất cứ quốc gia nào ngăn cản kế hoạch bành trướng của nước này. Điều này được thể hiện rõ trong Sách trắng quốc phòng mà Trung Quốc tuyên bố hồi tháng trước.

"Một số quốc gia láng giềng đang có hành động khiêu khích và tăng cường sự hiện diện quân sự trên các hòn đảo và bãi đá ngầm của Trung Quốc mà họ đã chiếm đóng trái phép.

Đây chính là nhiệm vụ lâu dài của Trung Quốc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải quốc gia", Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc viết.

Thậm chí, Sách trắng quốc phòng còn nhấn mạnh quân đội Trung Quốc sẽ sớm cho triển khai thêm "hoạt động bảo vệ trên vùng biển mở" bên cạnh nhiệm vụ "phòng thủ các khu vực bờ biển".

Nói cách khác, chính những hành động tăng cường sức mạnh quân sự và kiểm soát hàng hải của Trung Quốc đang làm tình hình thêm căng thẳng và nguy cơ đối đầu quân sự là không thể tránh khỏi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại