"Đừng sốc nếu ông Obama quyết định đánh Syria"

Một tháng sau khi ông Obama tuyên bố đã thay đổi chính sách và quyết định viện trợ quân sự cho phe đối lập Syria, song lực lượng này vẫn chưa nhận được "một viên đạn nào". Đồng minh trong khu vực tự hỏi chuyện gì đã xảy ra, nhưng không có câu trả lời rõ ràng.


	Gần 7 triệu người Syria đang cần hỗ trợ nhân đạo.

Gần 7 triệu người Syria đang cần hỗ trợ nhân đạo.

Vậy Mỹ sẽ tiếp tế cho quân nổi dậy hay không? Nếu quân nổi dậy thất bại - mà tình trạng giờ đây là có thể - liệu ông Obama có đưa quân đến tham chiến hay là miễn cưỡng chấp nhận chiến thắng của Tổng thống Assad? Liệu Mỹ sẽ đối mặt với một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông hay là rút lui chiến lược, đồng nghĩa với sự bẽ bàng?

Trong ngoại giao, sự mập mờ đôi khi có thể là một quyền lực mạnh, nhưng rõ ràng ông Obama muốn chơi con bài Syria bằng sự khôn ngoan và thận trọng. Sau nhiều tháng lúng túng về ngoại giao và sự thay đổi chính sách không giải thích được, đây là thời gian để tổng thống quyết định về Syria. Có thể quốc hội sẽ nghe theo. Người dân Mỹ và các đồng minh có quyền được biết những gì xảy ra.

Kể từ khi Thế chiến II kết thúc, thế giới đã trở nên quen với việc chứng kiến các tổng thống của cả 2 đảng đưa Mỹ vào hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác. Nhưng kể từ tháng 12.1941, chưa có tổng thống nào đề nghị quốc hội tuyên bố chiến tranh theo như yêu cầu ghi trong hiến pháp. Chỉ duy nhất một lần năm 1973, quốc hội đã hành động để kiềm chế quyền hạn định đoạt chiến tranh của tổng thống.

Đạo luật quyền hạn chiến tranh là một ví dụ thảm bại của quốc hội đối với cuộc chiến đau thương ở Việt Nam. Điều đáng nói là nó được thông qua sau khi chiến tranh gần chính thức kết thúc và đã chứng tỏ sự bất lực trong việc ngăn chặn bất kỳ tổng thống tiếp theo nào dấn bước vào chiến tranh.

Đáng buồn, Quốc hội Mỹ đa phần không liên quan đến việc kiến tạo và thi hành các chính sách đối ngoại, do vậy quyền hạn chiến định của tổng thống ngày càng phát triển theo cấp số nhân. Tổng thống hiện chỉ huy quân đội và chịu trách nhiệm hoàn toàn về chính sách đối ngoại quốc gia.

Trước đây, chuyện này không diễn ra như vậy. Quốc hội từng thực thi nhiệm vụ của mình một cách đầy tự hào. Mùa đông năm 1966, Ủy ban Đối ngoại thượng viện đã nghe phiên điều trần bất thường về Việt Nam. Các quan chức cao cấp, học giả, giới báo chí, tất cả đều chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết của mình. Buổi điều trần dưới sự chủ tọa của Thượng nghị sĩ J.William Fulbright đã giúp nước Mỹ tìm hiểu về ưu-nhược điểm của chiến tranh, về chiến lược và mục đích bị thất bại.

Một ví dụ khác, dù ít thuyết phục hơn: Tháng 1.1991, Tổng thống George H.W.Bush đề nghị quốc hội phê chuẩn việc gửi quân đến Kuwait. Sau cuộc tranh luận mạnh mẽ, quốc hội đã phê chuẩn với 5 phiếu tại thượng viện. Đối thủ giận giữ không chấp thuận, nhưng tổng thống đã nhận được sự phê chuẩn hợp pháp của quốc hội để gửi 500.000 quân tới Trung Đông. Nếu không có sự phê chuẩn này, ông Bush có thể đã sợ rằng ông sẽ bị buộc tội.

Nhưng những nỗi sợ hãi như vậy ngày nay không còn nữa. Không ai nghiêm túc buộc tội ông Obama. Quyền lực quyết định chiến tranh mà ông nắm trong tay đã được tích lũy qua nhiều thế hệ tổng thống.

Vì điều này và nhiều lý do khác, chúng ta sẽ không sốc nếu chẳng may ông Obama lên truyền hình tối nay và tuyên bố đã quyết định đánh bom Damascus, thiết lập vùng cấm bay gần Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời phái vô số quân đến giúp lật đổ Tổng thống Assad. Quốc hội có thể sẽ chỉ trích, nhưng không ai sẽ cho rằng ông Obama không có quyền đem quân Mỹ vào một cuộc chiến tranh khác.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại