Hơn 1 triệu người Trung Quốc chết sớm vì ô nhiễm
Một số lãnh đạo Trung Quốc từng lập luận rằng, vì là quốc gia đang phát triển nên nước họ “có quyền gây ô nhiễm”, họ không thể hy sinh tăng trưởng kinh tế vì lợi ích môi trường! Thực tế đã chứng minh, họ đang phải trả giá quá đắt cho chính sách phát triển này của mình.
Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ có 1% trong tổng số 560 triệu cư dân đô thị của Trung Quốc hít thở không khí được xem là an toàn theo tiêu chuẩn EU. Mức PM2,5 của Bắc Kinh (những hạt lơ lửng có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet và có thể xâm nhập vào những vùng trao đổi khí của phổi) rơi vào hạng tồi tệ nhất thế giới.
Theo Dự án “Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu” (Global Burden of Disease Study), ô nhiễm không khí đã khiến 1,2 triệu người Trung Quốc chết sớm trong năm 2010.
Điều nguy hiểm là, vấn đề này sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi tốc độ xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt than vẫn diễn ra không ngừng ở Trung Quốc. Trong một chuyên khảo gần đây với tên gọi: “Biến đổi khí hậu: Vấn nạn Trung Quốc”, học giả môi trường Michael Vandenbergh cho biết: “Tính trung bình, cứ từ 7 đến 10 ngày lại có một nhà máy nhiệt điện đốt than với công suất đủ phục vụ một thành phố cỡ Dallas (Mỹ) được khánh thành ở Trung Quốc”.
Trong khi đó, khí thải carbon dioxide từ xe ô tô ở Trung Quốc cũng đang phát triển theo hàm mũ, thế chân các nhà máy điện đốt than là nguồn gây ô nhiễm chính ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) ước tính, số lượng xe hơi ở Trung Quốc sẽ đạt 400 triệu vào năm 2030 so với mức 90 triệu hiện nay.
Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã kết luận: 70% các tuyến đường thủy lớn của đất nước đang bị ô nhiễm nặng nề. Các chất ô nhiễm còn thấm vào mạch nước ngầm của Trung Quốc. Theo Cục địa chất Trung Quốc, 90% các thành phố ở nước này phụ thuộc vào nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Việc khoan bừa bãi các đường hầm dưới lòng đất thậm chí còn gây ra hiện tượng một số thành phố đang bị lún chìm theo đúng nghĩa đen của nó.
Đầu độc cả thế giới
Những mối đe dọa về suy thoái môi trường không còn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc mà đã vượt xa ra khỏi biên giới nước này.
Năm 2006, các nhà nghiên cứu của Đại học California-Davis (Mỹ) phát hiện ra rằng gần như tất cả các hạt bụi độc hại trên hồ Tahoe (hồ nước ngọt lớn ở Sierra Nevada, Mỹ) có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Một số chuyên gia môi trường Mỹ từng lưu ý “Khi bay tới Mỹ, thủy ngân biến thành một chất khí phản ứng, dễ dàng hòa tan dưới điều kiện khí hậu ẩm ướt ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Ít nhất 20% lượng thủy ngân bay vào sông Willamette ở Oregon (Tây Bắc nước Mỹ) nhiều khả năng xuất phát từ Trung Quốc”.
Elizabeth C. Economy, nhà nghiên cứu môi trường Trung Quốc thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations) cho rằng 80% diện tích biển Hoa Đông, một trong những vựa thủy sản lớn nhất thế giới, giờ đây không còn thích hợp cho việc đánh bắt cá.
Phần lớn các thành phố ven biển của Trung Quốc xả ít nhất một nửa số chất thải trực tiếp xuống biển, gây ra thủy triều đỏ và cá ven biển chết hàng loạt. Theo Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới, Trung Quốc hiện là nước gây ô nhiễm Thái Bình Dương lớn nhất.
Việc sử dụng tài nguyên nước ngọt của Trung Quốc cũng đang đe dọa đế những khu vực lân cận. Nước ngọt bình quân đầu người ở châu Á ít hơn một nửa mức trung bình toàn cầu. Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 40% dân số nhưng chỉ có 10% lượng nước ngọt của thế giới. Trung Quốc lại đang tiêu thụ và gây ô nhiễm nguồn tài nguyên có hạn này ở mức đáng báo động.
Hàng loạt các con đập trên những dòng sông lớn ở cao nguyên Tây Tạng đã và đang được Trung Quốc xây dựng, trong đó có sông Mê Kông, sông Salween, sông Brahmaputra, sông Dương Tử, Hoàng Hà...
Chưa hết, Trung Quốc vẫn còn có các kế hoạch quy mô lớn xây đập trên nhiều dòng sông khác. Trong số khoảng 50.000 con đập lớn nhất thế giới, hơn một nửa là ở Trung Quốc. Trung Quốc hiện kiểm soát nguồn cung cấp nước sông cho 13 quốc gia lân cận nhưng cho đến nay vẫn từ chối ký mọi hiệp định về nước với các quốc gia khác.
Bắc Kinh cũng đã bỏ phiếu chống lại nỗ lực điều tiết nguồn nước trong khu vực của Liên hợp quốc. Cựu Bộ trưởng Tài nguyên nước Trung Quốc Wang Shucheng từng mô tả chính sách nước của Bắc Kinh: “tranh đấu giành từng giọt nước hay là chết”. Triết lý cực đoan này, kết hợp với việc không ngừng theo đuổi phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ gây nên những hậu quả bất ổn sâu sắc cho khu vực, cả về chính trị và môi trường.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!