Thời thế đảo ngược, vị thế Tổng thống Syria được củng cố

Cách đây không lâu, phe nổi dậy ở ngoại ô Damascus còn dồn dập tấn công thủ đô bằng những loạt đạn súng cối đẩy lùi quân chính phủ; nhưng tình thế giờ đây đã đảo ngược.

 

Những tuần gần đây, ngày càng gia tăng hiện tượng các nhóm phiến quân đã chém giết lẫn nhau và thất bại trên chiến trường. Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây kêu gọi ông Assad từ chức chứng tỏ các quốc gia này vẫn còn lưỡng lực trong việc quyết định có cung cấp vũ trang cho phe nổi dậy Syria hay không.

Mặc dù có ý rất hy vọng Tổng thống Assad có thể tái khẳng định quyền lực của mình ở khắp Syria, nhưng ngay cả những kẻ thù của ông Assad cũng tin rằng vị trí của ông đang được củng cố mạnh mẽ hơn trong những tháng gần đây. Sự phục hồi của chính phủ cho thấy ông Assad và những người ủng hộ có thể sẽ tiếp tục dập tan phong trào nổi dậy ở Syria.

"Ông Assad giờ đã đầy quyền lực, không phải là một tổng thống nắm quyền điều hành đất nước mà là một lãnh chúa, người sở hữu nhiều vũ khí tiên tiến hơn những người khác" - Hassan Hassan, một nhà bình luận Syria của tờ National tại Abu Dhabi nói.

Khoảng 60% dân số Syria đang sống ở những khu vực do chính phủ kiểm soát, trong khi quân nổi dậy nắm trong tay 60-70% lãnh thổ thực tế - Andrew Tabler, chuyên gia về Syria tại Viện Chính sách Cận Đông, Washington- nói. Nguyên nhân là do phe đối lập mạnh nhất ở những khu vực nông thôn ít dân cư.

Nhưng bế tắc chia cắt đất nước trong nhiều tháng qua đã bắt đầu thay đổi khi lực lượng của ông Assad - được hậu thuẫn bởi đồng minh - đã giành nhiều thắng lợi liên tiếp trước quân nổi dậy và giảm bớt áp lực ở thủ đô.

Ngay cả khi phe đối lập hy vọng rằng kết cục của ông Assad là bị lật đổ, chết, vào tù hoặc lưu vong như những nhà độc tài khác thì họ đều bắt đầu phải thừa nhận một thực tế khác đang nổi lên.

"Nếu cuộc cách mạng tiếp tục như thế này, người dân sẽ nổi dậy chống lại chúng ta" - một chỉ huy phe đối lập ở thành phố Homs nói.

Người chỉ huy này từng bảo vệ gia đình mình, chỉ trích quân nổi dậy vì đã đặt lợi ích của của họ lên trên cuộc chiến chống lại Tổng thống Assad, cáo buộc họ tích trữ vũ khí để bán lấy lời. Chính sự thiếu thống nhất đó đã kéo dài cuộc chiến và làm cho sứ mệnh của họ trở nên khó khăn hơn.

Suốt hơn hai năm chiến tranh, sức mạnh quân sự ở cả hai bên trở nên phụ thuộc nặng nề vào những ủng hộ bên ngoài. Ông Assad nhận được sự hỗ trợ liên tục về tài chính và quân sự từ Nga, Iran và lực lượng Hezbollah. Trong khi đó, phe đối lập nhận được sự hỗ trợ thường xuyên từ Saudi Arabia, Qatar và một loại những nhà tài trợ cá nhân khác, mà mỗi người đều có những lợi ích chính trị riêng. Điều này đã làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa các nhóm nổi dậy, chiến thắng của người này là mất mát của người khác.

Mỹ và đồng minh phương Tây thúc ép ông Assad từ bỏ quyền lực và đã đề cập đến chuyện vũ trang cho phe đối lập. Liên minh Châu Âu dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Syria, tạo điều kiện cho phe nổi dậy có thể sớm được cung cấp vũ khí. Nhưng phe này nói rằng hiện chưa nhận được gì cả.

"Họ không muốn chế độ này sụp đổ, đó là lý do họ không giúp đỡ" - tướng Salim Idris, người đứng đầu Quân đội Giải phóng Syria nói. Ông Idris nói rằng phương Tây trì hoãn những cuộc họp không có hồi kết, các hội nghị thượng đỉnh và yêu cầu đảm bảo rằng vũ khí không rơi vào tay những kẻ cực đoan. Những điều này làm cho phe nổi dậy chịu bất lợi lớn trước lực lượng của Tổng thống Assad.

"Họ có Nga, Iran và Hezbollah. Nhưng những nước dân chủ kêu gọi tự do đều chưa đưa ra bất kỳ sự trợ giúp nào với chúng tôi" - ông Idris nói.

Trong thời gian gần đây, phiến quân cũng thất bại trong việc củng cố chiến thắng và kế hoạch của họ. Gần 1 năm sau khi phát động cuộc chiến vào thành phố lớn nhất Syria là Aleppo, thành phố này vẫn đang bị phá hủy và chia cắt. Nhiều người dân đổ lỗi phiến quân đã mang đến sự hủy diệt ở nơi đây.

Xa hơn về phía nam, quân chính phủ với sự trợ giúp của Hezbollah đã chiếm giữ thành phố Qusair tháng trước, chặt đứt tuyến đường quan trọng vận chuyển vũ khí tới quân nổi dậy.

Kể từ đó, phong trào của phe đối lập đã xuất hiện dấu hiệu lộn xộn trong nội bộ. Đụng độ giữa các phe nhóm gia tăng. Tuần trước, những kẻ cực đoan đã giết chết 2 thủ lĩnh phiến quân ở bắc Syria.

Tất cả những điều trên đã đem lại một cấp độ tự tin mới cho Tổng thống Assad - ông Assem Kansou, nghị sĩ Quốc hội Lebanon nói.

Trước đây, ông Assad lo lắng khi phe nổi dậy bao vây ngoại ô Damascus bằng đạn pháo thì giờ đây, tình hình đã thay đổi sau khi quân đội chiếm được Qusair và đẩy lùi phe đối lập xa hơn khỏi thủ đô.

"Nếu ngồi với Tổng thống Assad sẽ thấy ông ta giờ đây khá thoải mái. Ông là là một con người tự tin vào bản thân, làm từng chút một. Tất cả còn ở phía trước, nhưng ông ta có cảm giác rằng cuộc khủng hoảng này sẽ đi qua với tất cả những hậu quả của nó" - ông Kansou nhận xét.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại