Theo nhiều nhà phân tích, châu Âu dường như chưa nhận ra được rằng nếu Hy Lạp rời khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hay nếu Ukraine không được châu Âu hỗ trợ tối đa về chính trị và tài chính, an ninh của châu Âu sẽ bị đe dọa.
Theo News Week, vì châu Âu không có chính sách an ninh và quốc phòng rõ ràng và cũng không có chiến lược cụ thể đối với Hy Lạp và Ukraine nên an ninh khu vực này luôn phụ thuộc vào NATO, đặc biệt là Mỹ.
EU đang quá chủ quan với tình hình ở Ukraine và Hy Lạp?
Việc Hy Lạp rời bỏ Eurozone (Grexit) có thể sẽ tàn phá ít nhất là miền nam châu Âu.
Đầu tiên, Grexit sẽ gây tổn hại cho vùng Balkan vốn đang bất ổn. Những quyết tâm cải cách kinh tế, chính trị xã hội của khu vực này sẽ tiêu tan.
Ảnh hưởng của Liên minh châu Âu (EU), vốn là một động lực cho những cải cách trong khu vực nhằm gia nhập EU, sẽ bị lu mờ.
Việc Hy Lạp rời Eurozone sẽ gây thiệt hại không thể kể xiết đối với châu Âu. Trong nhiều năm qua, các công ty Hy Lạp đã đầu tư nhiều vào khu vực Balkan.
Sự đầu tư này đang dần can kiệt bởi cuộc khủng hoảng ở Athens.
Ngoài ra, Grexit sẽ khiến các nhà đầu từ nước ngoài còn lại tránh xa Hy Lạp và các nước láng giềng của nó. Các nhà cải cách trong khu vực sẽ bị cô lập hơn nữa.
Ngoài ra, Grexit cũng đặt ra những thách thức lớn hơn đối với cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu, một vấn đề mà cho đến nay EU và các nước thành viên vẫn chưa có chiến lược giải quyết cụ thể và dài hạn.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.
Ngoài ra, Hy Lạp cũng đang có ảnh hưởng đến số phận của quốc đảo Síp. Cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều đóng vai trò quyết định trong sự thành công của các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt sự chia rẽ tại Síp.
Vì vậy, việc Hy Lạp bị rơi vào cảnh vỡ nợ sẽ không thể đóng góp vai trò lớn trong các cuộc đàm phán.
Với những vai trò trên, việc Hy Lạp rời Eurozone sẽ là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với châu Âu.
Cũng giống như với Hy Lạp, người dân châu Âu cũng đang rất thờ ơ đối với cuộc khủng hoảng Ukraine. Cuộc khủng hoảng này diễn ra càng lâu thì nguy cơ với châu Âu càng lớn.
Nếu không giải quyết được cuộc khủng hoảng này, EU cũng bị ảnh hưởng cả về an ninh, uy tín và kinh tế.
Hơn nữa, theo cơ quan châu Âu chuyên trách vấn đề người tị nạn (EASO) cho hay, số người Ukraine xin tị nạn ở châu Âu trong năm 2014 tăng vọt.
EASO cảnh báo, con số này sẽ tiếp tục gia tăng nếu cuộc xung đột ở Ukraine còn tiếp diễn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nỗ lực khiến cho cả 28 nước thành viên EU thống nhất về các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích, Berlin không có được nỗ lực tương tự để hỗ trợ Mỹ trong việc thúc đẩy an ninh ở các quốc gia Baltic, không huấn luyện và cũng không cung cấp thậm chí cả vũ khí phi sát thương cho quân đội Ukraine.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier.
Lập trường của nước Đức dường như được thể hiện rõ ràng trong lời phát biểu hôm 30/6 vừa qua của Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier.
Ông Steinmeier ủng hộ việc phục hồi các mối quan hệ thân thiện giữa EU và Moscow, cũng như lên tiếng chống lại việc cô lập Nga trên trường quốc tế, đồng thời nhắc nhở NATO về việc Chiến tranh Lạnh đã kết thúc.
Ông cho rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc nhưng “tiếng vọng” từ thời đại đó vẫn đang dội lại.
Mặc dù chỉ trích các kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin về hiện đại hóa kho vũ khí tên lửa chiến lược, nhưng ông cũng ngầm cho rằng, việc Mỹ phản ứng quá mạnh mẽ sẽ khiến tình hình thêm căng thẳng.
Ông cho rằng nên thận trọng và khéo léo khi đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tuy nhiên, theo New Week, EU không thể thiếu một chiến lược cụ thể, rõ ràng ở Ukraine. Châu Âu phải giúp ổn định tình hình ở Ukraine và hỗ trợ Kiev tiến hành các cải cách.
Nếu không có những cải cách trong các tổ chức nhà nước, Ukraine sẽ không thể thoát khỏi nạn tham nhũng, ảnh hưởng của các đầu sỏ chính trị.
Châu Âu đang phải trả một cái giá rất lớn vì đã chưa thật sự quan tâm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp và điều này rất có thể sẽ lặp lại vì Ukraine.
Tóm lại, việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone và việc châu Âu không sẵn sàng hỗ trợ Ukraine sẽ là một mối nguy lớn đối với cả châu Âu.