Trong vài tháng trở lại đây, Hy Lạp và Nga vẫn tích cực thể hiện sự thân thiết với nhau, trong thời điểm cả 2 nước đang có những mâu thuẫn khác nhau với Liên minh châu Âu EU.
Hy Lạp công khai phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga. Chỉ trong 3 tháng gần đây, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã thăm Nga tới 2 lần.
Hồi tháng Sáu, Hy Lạp đã ký với Nga một thỏa thuận sơ bộ trị giá hơn 2,2 tỉ USD để xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt chạy qua nước này - một bước đi giúp hoàn thiện tuyến "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" mà Nga khởi xướng.
Tất cả những động thái đó diễn ra khi Hy Lạp vẫn đang trong quá trình đàm phán với châu Âu về tương lai của mình.
Mặc dù Hy Lạp chưa đưa ra lời đề nghị, song Nga đã hơn một lần ngỏ lời sẵn sàng giúp đỡ nước này vượt qua giai đoạn khó khăn, sau khi người dân Athens nói "Không" với các yêu sách mà những chủ nợ châu Âu đưa ra để đổi lấy các khoản cứu trợ.
Toan tính của cả 2 bên
Một số nhà phân tích cho rằng, sự "ve vãn" lẫn nhau của Nga và Hy Lạp trong thời điểm hiện tại giúp Moscow đang kéo Athens vào quỹ đạo địa chiến lược dài hơi của mình. Tuy nhiên, cũng có thể, cả 2 đang lợi dụng lẫn nhau cho các lợi ích ngắn hạn.
Một báo cáo của Viện phân tích Địa chiến lược Wikistrat (Úc) nhận định: "Cả 2 bên đều hưởng lợi từ các cuộc đàm phán giữa EU và Hy Lạp. Nó giúp họ đứng trước ít nguy cơ, hoặc chỉ phải trả giá thấp mà vẫn đạt được các lợi ích chiến thuật của mình".
Báo Mỹ Financial Times cho rằng, khủng hoảng nợ ở Hy Lạp đã mở ra cho Nga cơ hội gia tăng ảnh hưởng của mình ở NATO và lôi kéo thêm các đồng minh của Mỹ ở châu Âu về phía mình.
Quan điểm trên về lợi ích của Nga đã nhận được sự đồng tình từ không ít các chuyên gia.
Theo trang tin Mỹ Business Insider, mục đích cuối cùng của thỏa thuận khí đốt Nga - Hy Lạp không phải là nhằm giúp Athens, dù rằng nó có thể xoa dịu phần nào các vấn đề tài chính của quốc gia châu Âu này tới năm 2019.
Trên thực tế, đường ống dẫn khí đốt đi qua Hy Lạp là đòn bẩy địa chính trị của Nga nhằm vượt mặt Ukraine và duy trì lợi ích của mình ở EU.
Thế nhưng, khi Nga đang "lợi dụng" Hy Lạp để đạt được mục tiêu của mình, thì Hy Lạp cũng có những toan tính riêng khi đi ngược lại số đông ở EU, công khai thể hiện "thiện chí" với Nga.
Wikistrat cho rằng, "Hy Lạp chịu áp lực từ EU, nhưng cũng gây ra những mối đe dọa về việc sẽ xích gần hơn với Nga - điều này sẽ mở đường cho các kết luận có lợi (cho Athens) từ những cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ".
Hồi tháng Một, khi Hy Lạp lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, các nhà phân tích đã từng lý giải rằng, Athens làm vậy để tìm cho mình một "khe cửa" thương lượng với EU, nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là xóa nợ.
Tương tự như vậy, giờ đây, Hy Lạp có thể đang sử dụng "lá bài" Nga để giành được một số đòn bẩy về tài chính từ EU.
Trên tờ Business Insider, cây viết về kinh tế, chính trị người Mỹ Elena Holodny ví von rằng, Hy Lạp đang "tán tỉnh" Nga chỉ để khiến châu Âu "ghen tuông".
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Tổng thống Nga Putin
Nga sẽ "giải cứu" Hy Lạp?
Cả Mỹ và EU đều không muốn Hy Lạp vỡ nợ và ra khỏi khu vực đồng tiền chung, bởi việc này thậm chí có thể trở thành "cơn ác mộng" cả về kinh tế lẫn chính trị với châu Âu.
Tuy nhiên, Business Insider cũng cho rằng, khó có khả năng Nga sẽ giải cứu Hy Lạp, bởi Moscow còn có một nền kinh tế riêng cần phải lo lắng, và một khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục yếu đi hơn nữa sẽ không phải là một tin tốt với nước này.
Hồi tháng Tư, cây viết về chính trị người Anh Tomas Hirst từng đánh giá:
"Cả Athens và Moscow đều phải hành động như thể họ sẽ hợp tác, nhằm gây áp lực cho những người chơi khác, buộc họ phải đưa ra các điều khoản hợp tác - đây là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng họ rõ ràng không có lý gì khi thực sự làm điều đó".
Ngay cả "Thủ tướng Hy Lạp Tsipras có thể cũng không mong chờ, hoặc thậm chí không muốn gói cứu trợ từ Nga, bởi chính phủ của ông hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với EU".
Trên thực tế, đúng là Hy Lạp vẫn đang kiên trì trông mong vào các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm được sự đồng thuận với EU về gói cứu trợ mới, mặc Nga "lôi kéo".
Còn về phần mình, Nga hẳn cũng mong Hy Lạp sẽ ở lại EU, bởi khi đó, Moscow sẽ có một người bạn ở châu Âu và điều này sẽ giúp Nga củng cố thêm vị thế của mình.