1. "Siêu vật liệu"
Tạp chí hàng không CanPress (Trung Quốc) hồi tháng 3/2015 cho hay, Sở đặc chủng Trung Quốc đã ban hành "Quyết định tăng cường nghiên cứu kỹ thuật mũi nhọn và cơ sở", nhằm đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ của nước này.
Giáo sư Trung Quốc Trương Minh Tập là người đi đầu trong ngành nghiên cứu "điện từ cửa sổ" (Electromagnetic windows) của nước này.
Ông cùng các cộng sự đã nghiên cứu kỹ thuật "siêu vật liệu" và báo cáo thành quả trong cuốn sách "Khái luận siêu vật liệu", đặt cơ sở cho lĩnh vực tiên phong này.
Ngày nay, khái niệm "siêu vật liệu" bao gồm: Metamaterial (Left-Handed Material), tinh thể Photonic (hay bán dẫn ánh sáng), vật liệu siêu từ tính...
Những năm trở lại đây, "siêu vật liệu" được cả thế giới quan tâm và từng được tạp chí Sicence (Mỹ) năm 2003 bình chọn là "1 trong 10 đột phá khoa học của năm".
2. Kỹ thuật nghiên cứu không gian
Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng hoạt động phóng vật thể bay nghiên cứu Mặt Trăng của nước này có độ khó cao hơn so với Mỹ, Liên Xô.
Trung Quốc thừa nhận kỹ thuật trong ngành vũ trụ của nước này tụt hậu khá nhiều so với Mỹ, nhưng tuyên bố vẫn có một số lĩnh vực "vượt trội hơn Mỹ".
Ngày 22/10/2014, Cục kỹ thuật công nghiệp quốc phòng Trung Quốc tuyên bố nước này lần đầu tiến hành thử nghiệm phóng "vật thể bay thử nghiệm" nhằm thí nghiệm "tái nhập phản hồi phi hành".
Khái niệm "tái nhập phản hồi phi hành" có nghĩa là, vật thí nghiệm sẽ tự động quay trở lại khi tiếp cận Mặt Trăng.
Trong quá trình trở về Trái Đất, vật này sẽ "nhảy" một lần khi bước vào tầng khí quyển để giảm bớt tốc độ, kéo dài hành trình và hạ cánh tại vị trí có độ sai lệch "nhỏ" so với điểm phóng ban đầu.
Báo chí Trung Quốc bình luận gọi thử nghiệm này là "tuyệt tác" bởi độ chính xác đạt được khi thực hiện.
Thời báo Hoàn Cầu cho hay, trong quá khứ Mỹ và Liên Xô từng ứng dụng nguyên lý tương tự để tiếp cận nghiên cứu Mặt Trăng, nhưng "hành trình không dài bằng Trung Quốc, trong khi bãi phóng có diện tích lớn hơn".
Trang CNNEws (Trung Quốc) cũng cho biết, các vật thể bay của Mỹ, Liên Xô đều có địa điểm hạ cánh sai lệch 4.000-5.000km so với điểm xác định, cho thấy sự vượt trội trong công nghệ thám hiểm ngày nay của Trung Quốc.
3. Kỹ thuật thông tin liên lạc lượng tử (Quantum Teleportation)
Giáo sư Phan Kiến Vĩ, chuyên gia hàng đầu Trung Quốc và thế giới về viễn thông lượng tử.
Thông tin liên lạc lượng tử có đặc điểm: Độ an toàn cao, dung lượng đường truyền "siêu lớn", tỷ lệ kết nối liên lạc "siêu cao", cho phép truyền thông cự ly dài và hiệu quả tốt... đã được giới công nghệ toàn cầu ghi nhận.
Trung Quốc cũng là một trong số ít quốc gia "tranh giành" đi đầu trong việc nghiên cứu phát triển lĩnh vực này.
Giáo sư ĐH khoa học kỹ thuật Trung Quốc Phan Kiến Vĩ là một trong những nhà khoa học đầu ngành về viễn thông lượng tử. Ngay từ năm 1997, ông đã tham gia thí nghiệm "truyền dữ liệu 'ẩn' của trạng thái lượng tử" ở Áo.
Lý luận lượng tử cho rằng, một số vật chất có thể đồng thời tồn tại ở nhiều trạng thái khác nhau theo hình thức "xếp chồng".
Chỉ khi được quan trắc hoặc định lượng, các vật chất này mới cho thấy một trạng thái xác định nào đó. Vì vậy, việc thí nghiệm cũng đồng nghĩa với can thiệp vào vật chất và làm thay đổi trạng thái của nó.
Nghiên cứu của giáo sư Phan và các đồng sự cũng cho thấy, mạng điện thoại lượng tử quang "không lo ngại bị nghe lén".
Viễn thông lượng tử hoạt động theo nguyên lý "mỗi lần một mã", tức khi hai người gọi điện thoại, các mật mã sẽ được sinh ra liên tục mỗi giây và chuỗi mật mã này mất hiệu lực ngay khi thông thoại kết thúc.
Trang CNNEws bình luận, nếu các vệ tinh lượng tử của Trung Quốc áp dụng công nghệ này, không ít quốc gia phương Tây sẽ phải e ngại.
4. Kỹ thuật đường sắt cao tốc
Cách đây khoảng 20 năm, kỹ thuật đường sắt cao tốc của Trung Quốc hoàn toàn phải tiếp thu từ nước ngoài, điển hình là các quốc gia có ngành đường sắt vượt trội như Đức, Nhật Bản.
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện giờ đã "xuất khẩu" được công nghệ đường sắt và đại đa số công nghệ được áp dụng đều được nước này nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc đang có mạng lưới đường sắt lớn nhất trên thế giới, tốc độ đoàn tàu vượt 120 dặm Anh (193 km)/giờ. Trong khi đó, trước năm 2020, Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng nhiều đường sắt cao tốc hơn.
Trong quá khứ, không ít học giả Trung Quốc từng phản đối quyết liệt đường hướng phát triển ngành đường sắt cao tốc ở quốc gia này,
Nhưng đến nay, đường sắt cao tốc thậm chí được ví như "vũ khí sắc bén" của quốc gia này, phục vụ đắc lực cho chiến lược "một vành đai, một con đường" của ông Tập Cận Bình ở châu Á-Thái Bình Dương.
5. Điện lưới "siêu cao áp"
Trung Quốc ứng dụng lưới điện cao áp đặc biệt lên tới 1000kV
"Siêu cao áp" là từ dùng để chỉ điện áp dòng điện một chiều trên 800kV và dòng điện xoay chiều trên 1000kV.
Chủ tịch HĐQT Công ty điện lưới quốc gia Trung Quốc Lưu Chấn Á từng hứng chỉ trích nặng nề từ các chuyên gia trong nước rằng Trung Quốc "trưởng giả học làm sang" khi xây dựng hệ thống điện "siêu cao áp", trong khi các quốc gia phương Tây cũng không cần dùng đến.
Ông Lưu cho biết, trong năm 2015 Trung Quốc có thể đầu tư hơn 500 tỷ NDT cho lưới điện, qua đó thúc đẩy đầu tư vào các ngành liên quan đến nguồn năng lượng như nhiệt điện, than đá...
Đặc biệt, với điện lưới "siêu cao áp" độc nhất vô nhị này, Trung Quốc đứng trước cơ hội rất lớn cung cấp cho thế giới kỹ thuật tiên tiến mà nước này đi đầu, cũng như chia sẻ "mạng lưới năng lượng toàn cầu", thu được lợi nhuận lớn.
6. "Siêu máy tính" Thiên Hà 2
Máy tính Thiên Hà 2 của Trung Quốc
Thiên Hà 2 là "siêu máy tính" do Trung Quốc sản xuất và hiện vẫn là máy tính nhanh nhất thế giới, theo đánh giá của danh sách TOP500 vào tháng 6/2013.
Người phụ trách Thiên Hà 2 Viên Học Phong khẳng định, cỗ máy này không chỉ dành phục vụ cơ quan chính phủ và các khách hàng lớn, mà chính người dân Trung Quốc cũng có thể đăng ký sử dụng các dịch vụ của nó.
Ông Viên "ví von" Thiên Hà 2 hoàn toàn có thể giống như "một chiếc máy tính bỏ túi".
Các chuyên gia công nghệ Trung Quốc đang nỗ lực hoàn thiện các hệ thống ứng dụng cho Thiên Hà 2, với kỳ vọng siêu máy tính này sẽ... giống như iPhone, đơn giản và dễ hiểu đối với mọi người dùng mà không cần sách hướng dẫn.