Tập Cận Bình vạch chiến lược "3 mũi nhọn" thâu tóm châu Á

Đức Huy |

Trong bài viết đăng trên tạp chí National Interest hôm 12/7, giáo sư Nikolas Gvosdev phân tích cách Trung Quốc sẽ tận dụng 2 con bài chiến lược Nga và Ấn Độ trên sân chơi châu Á.

Theo ông Gvosdev, một trong những ưu tiên chiến lược hàng đầu của Trung Quốc hiện nay là dập tắt ý đồ "xoay trục" của Mỹ, qua đó độc chiếm thế thượng phong tại khu vực châu Á.

Qua hai cuộc họp thượng đỉnh các nước thuộc khối BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Ufa (Nga) tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho thấy 3 "mũi nhọn" mà Bắc Kinh sẽ tận dụng nhằm phục vụ mưu đồ nói trên.

Mũi 1: Tiếp tục hậu thuẫn Nga

Theo ông Gvosdev, các nhà phân tích chiến lược Trung Quốc hẳn đã "mở cờ trong bụng" trước những tuyên bố gần đây của các thành viên cốt cán Lầu Năm Góc, rằng Nga hiện là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Điều này, cộng với tuyên bố Mỹ sẽ cắt giảm quân số, đồng nghĩa với việc Washington nhiều khả năng sẽ tập trung binh lực nhiều hơn tại châu Âu để hỗ trợ các đồng minh NATO chế ngự Nga, qua đó "lỏng tay" hơn phần nào với châu Á - Thái Bình Dương.

Do đó, theo ông Gvosdev, Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh tế cho Nga, vì điều này sẽ giúp chính phủ Putin giảm thiểu phần nào gánh nặng từ các lệnh trừng phạt phương Tây, qua đó tiếp tục giữ vững lập trường cứng rắn tại Ukraine cũng như Đông Âu.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ hưởng lợi từ mối quan hệ Nga-Mỹ rạn nứt. Trước đây, Bắc Kinh từng lo sốt vó khi ông Putin tỏ ra thân thiện với phương Tây sau vụ 11/9. Bấy giờ, Nga từng ngỏ ý sẽ hỗ trợ Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực Trung Á.

Trung Quốc luôn lo ngại rằng nếu Moscow cũng đứng về phía Washington, họ sẽ bị vòng ảnh hưởng của Mỹ bao bọc tứ phía.

"May mắn" cho Trung Quốc, những gì diễn ra tại Ukraine đã loại bỏ hoàn toàn viễn cảnh Nga-Mỹ bắt tay, đồng thời kéo Nga gần hơn với Trung Quốc, đúng như những gì Bắc Kinh mong muốn.

Mũi 2: Giữ Ấn Độ ở thế trung lập

Theo ông Gvosdev, chỉ riêng nỗ lực từ Mỹ thôi sẽ là không đủ để chiến dịch xoay trục châu Á của họ đem lại hiệu quả. Thay vào đó, cái "trục" này cần sự hợp tác chặt chẽ của một liên minh các quốc gia trong khu vực.

Nhật Bản đương nhiên sẽ nằm trong số này, nhưng như vậy là chưa đủ. Các nước như Hàn Quốc, Philippines, hay Australia tuy cũng sẽ đóng góp nhưng lại không đủ tầm ảnh hưởng.

Một quốc gia châu Á hội đủ hai yếu tố: thứ nhất là có lý do để kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc, và thứ hai là có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực, ở thời điểm hiện tại, chỉ có thể là Ấn Độ.

Ông Gvosdev nhận định, Ấn Độ hiểu rõ mối đe dọa chiến lược từ Trung Quốc, nhưng chính sách ngoại giao của nước này từ trước đến nay vẫn đề cao tính độc lập, và tránh không bị hút vào những màn đối đầu do Mỹ khởi xướng tại Thái Bình Dương.

Nắm được điều này, Tập Cận Bình đã và đang rất "chăm chỉ" qua lại với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhằm củng cố quan hệ song phương Trung-Ấn vốn có nhiều điểm xung khắc (tranh chấp lãnh thổ, vấn đề Kashmir và Pakistan).

Giữ Ấn Độ ở thế trung lập sẽ là một phần quan trọng trong chiến dịch của Trung Quốc. Ảnh: AP

Giữ Ấn Độ ở thế trung lập sẽ là một phần quan trọng trong chiến dịch của Trung Quốc. Ảnh: AP

Theo ông Gvosdev, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để thuyết phục Ấn Độ rằng đôi bên có thể hợp tác cùng phát triển theo một mô hình sòng phẳng tôn trọng lẫn nhau mà không cần tới sự can thiệp của Mỹ.

Ngoài ra, Bắc Kinh chắc chắn cũng sẽ "nhắc khéo" New Delhi không nên để Washington kéo vào những cuộc xung đột không liên quan tới lợi ích quốc gia của Ấn Độ.

Nếu Trung Quốc có thể giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao với Ấn Độ giống như những gì họ đã làm với Nga hay các nước Trung Á trước đây, ông Gvosdev nhận định Bắc Kinh có thể tiến tới đẩy mạnh mũi nhọn thứ ba.

Mũi 3: Mở rộng ảnh hưởng sang Eurasia

Theo ông Gvosdev, sau khi thu hút được Nga và giữ Ấn Độ ở thế trung lập, Trung Quốc sẽ tìm cách thuyết phục các nước Á-Âu (Eurasia) tham gia vào "Con đường Tơ lụa" do Bắc Kinh khởi xướng, với lời "chào hàng" sẽ giúp các nước này phát triển kinh tế.

Nhưng quan trọng hơn với Trung Quốc, sự kết dính mà nước này tạo được cùng Eurasia qua Con đường Tơ lụa sẽ là đối trọng với TPP của Mỹ bởi rõ ràng, mục đích cuối cùng của Bắc Kinh vẫn là đẩy Washington ra khỏi châu Á.

Điều này cũng giải thích tại sao Trung Quốc đang ưu tiên đẩy mạnh phát triển AIIB (Trung Quốc và Ấn Độ là hai cổ đông lớn nhất) cũng như hợp tác trong khối BRICS hay SCO - bởi Mỹ không có mặt trong bất kì nhóm nào trong số này.

Qua những gì diễn ra tại Ufa vừa rồi, các nước Eurasian như Armenia hay Azerbaijan đang cho thấy mong muốn hợp tác kinh tế trong khuôn khổ SCO thay vì phụ thuộc vào các nguồn đầu tư của châu Âu hay Mỹ, một thắng lợi bước đầu cho Trung Quốc.

Mới chỉ là lý thuyết

Dù đã có rất nhiều thời gian thảo luận tại Ufa, vẫn chưa có hiệp định kinh tế cụ thể đáng kể nào được kí kết giữa các bên, một phần là do Trung Quốc vẫn phải hết sức cẩn trọng.

Theo ông Gvosdev, sở dĩ Trung Quốc dè chừng như vậy là để tránh đi vào vết xe đổ của Đức, nước đang phải đóng vai "Mạnh Thường quân" bất đắc dĩ cho một EU rệu rã. Bắc Kinh rõ ràng không muốn các quốc gia BRICS hay SCO nhìn vào mình theo cách đó.

Giáo sư - học viện hải chiến mỹ
Nikolas K. Gvosdev
Trung Quốc rõ ràng không muốn Nga nghĩ rằng họ "muốn bao nhiêu sẽ được hỗ trợ bấy nhiêu". Và Trung Quốc cũng rất không muốn biến AIIB trở thành một quỹ vốn "chùa" cho các dự án phục vụ mục đích cá nhân của các bên tham gia. 

Ngoài ra, diễn biến bất ổn trên thị trường chứng khoán cũng như sự chững lại của kinh tế Trung Quốc, cộng với tình hình không mấy khả quan của kinh tế Nga hiện nay. hoàn toàn có thể khiến mọi toan tính của Bắc Kinh phá sản.

Có thể nói, tuyên bố của ông Tập Cận Bình trong khuôn khổ họp mặt thượng đỉnh BRICS/SCO tuần qua thực sự đã đặt nền móng cho chiến lược "3 mũi nhọn" nói trên của Trung Quốc. Nhưng trước mắt, tất cả vẫn chỉ là lý thuyết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại