Tuy nhiên, tuyên bố của cơ quan tình báo Brazil Abin cho rằng hoạt động của họ, diễn ra từ năm 2003 đến 2004, tuân thủ luật pháp trong nước và nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Sự thừa nhận trên diễn ra vài giờ sau khi báo Folha de Sao Paulo mô tả cách thức cơ quan tình báo Brazil theo dõi, chụp hình các nhà ngoại giao Nga và Iran. Bài báo cũng tiết lộ tình báo Brazil còn theo dõi những địa điểm mà đại sứ quán Mỹ thuê ở Brasilia.
Tuyên bố nói trên cho biết thêm hành vi tiết lộ thông tin tình báo mật cho phóng viên Brazil là trái phép và những ai bị phát hiện làm thế sẽ bị truy tố. Điều trớ trêu là chính Tổng thống Brazil Dilma Rousseff gần đây lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Mỹ do thám bà, đồng thời hủy chuyến thăm Washington để trả đũa.
Trong lúc này, bà Rousseff đang thúc ép các nhà làm luật sớm tiến hành thông qua dự luật được gọi là “ Hiến pháp Internet” sau khi xuất hiện cáo buộc Mỹ do thám nước này. Luật này có điều khoản yêu cầu các công ty internet toàn cầu lưu trữ dữ liệu của người sử dụng Brazil trong nước. Ngoài ra, luật còn có những biện pháp bảo vệ quyền dân sự và sự riêng tư của người dùng internet tại Brazil.
Tuy nhiên, điều khoản lưu trữ dữ liệu nói trên đã vấp phải sự phản đối trong nước cũng như các công ty lớn như Google, Twitter và Facebook. Nếu điều luật được thông qua, hoạt động kinh doanh của những công ty này sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ tại Brazil, một trong những thị trường viễn thông lớn nhất thế giới.
Trong một diễn biến khác, Venezuela hôm 4-11 đã lên án thông tin Mỹ xem Caracas là một mục tiêu cần ưu tiên do thám, đồng thời cho biết quan hệ hai nước vẫn đang trong tình trạng đóng băng. Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp Ngoại trưởng Mexico Jose Antonio Meade, người đồng cấp Venezuela Elias Jaua tuyên bố: “ Việc họ do thám chúng tôi là điều không thể chấp nhận được”
Phản ứng trên được đưa ra sau khi báo The New York Times (Mỹ) vào cuối tuần rồi tiết lộ Venezuela cùng với Trung Quốc, Triều Tiên, Iraq, Iran, Nga là 6 “mục tiêu ưu tiên bị do thám” của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) kể từ năm 2007.
Theo bài báo, NSA đã bí mật theo dõi email cá nhân và công việc của 10 quan chức kinh tế hàng đầu Venezuela. Ông Jaua nhận định rằng thông tin trên cho thấy vì sao “Venezuela không thể có quan hệ tốt với Mỹ”.