Ông Ahmad Jarba, Chủ tịch Liên minh Dân tộc Syria, tuyên bố nhóm này sẽ không tham dự các cuộc hòa đàm tại Geneva – Thụy Sĩ trừ phi có một thời gian biểu rõ ràng về việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực. Ông cũng nói thêm sẽ không chấp nhận sự hiện diện của Iran tại hội nghị.
Trước đó, đặc phái viên quốc tế quốc tế về Syria, ông Lakhdar Brahimi, cho rằng không nên có điều kiện tiên quyết nào được đưa ra trước thềm hội nghị. Ông bày tỏ hy vọng các cuộc hòa đàm vẫn có thể diễn ra trong vài tuần tới bất chấp những trở ngại hiện nay.
Hội nghị nói trên – được gọi là Geneva 2 – được đề xuất nhằm đưa các bên đối đầu nhau ở Syria ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, hội nghị liên tục bị trì hoãn bởi những bất đồng giữa các cường quốc, sự chia rẽ trong nội bộ phe đối lập và những quan điểm không thể hòa giải giữa ông Assad và lực lượng nổi dậy.
Ngoài ra, các nước lớn còn đang tranh luận về việc có nên mời Iran tham dự hội nghị hay không. Liên Hiệp Quốc muốn thấy Iran có mặt tại hội nghị và Tehran cũng tuyên bố sẵn sàng tham dự nếu được mời nhưng vẫn chưa có thỏa thuận nào về vấn đề này. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến thăm Ả Rập Saudi hôm 4-11 và dự kiến sẽ nói rõ rằng Washington sẽ không hoan nghênh Tehran dự hội nghị chừng nào nước này ủng hộ việc ông Assad từ bỏ quyền lực.
Trong một diễn biến liên quan, các quốc gia vùng Vịnh đang tăng cường ủng hộ quân sự cho lực lượng nổi dậy Syria và giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ do bất mãn trước việc Washington từ bỏ ý định không kích Damascus. Ả Rập Saudi và một số nước khác trong khu vực bắt đầu cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria kể từ khi xung đột nổ ra hơn 2 năm trước, đồng thời hợp tác với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ trong việc huấn luyện và vũ trang cho lực lượng này.
Dù vậy, vai trò lãnh đạo và điều phối của Mỹ giờ đây không còn được đề cao nữa. Thay vào đó, Ả Rập Saudi có kế hoạch mở rộng các cơ sở huấn luyện đang vận hành bên trong Jordan, đồng thời tăng cường hỏa lực những vũ khí gửi cho các nhóm nổi dậy.