Huawei bác cáo buộc nhưng không hợp tác điều tra
Hồi giữa tháng 7/2013, tờ Australian Finacial Review dẫn lời cựu giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Michael Hayden cho biết, theo "đánh giá chuyên môn" của ông thì tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc Huawei đã cung cấp cho chính phủ Trung Quốc "các thông tin mật của các hệ thống liên lạc nước ngoài", hoặc ít nhất cũng phải là những chi tiết về "các hệ thống viễn thông ngoại quốc mà tập đoàn này có liên quan".
Ông Hayden thậm chí còn khẳng định: "Tôi nghĩ đó là sự thật" và rằng tình báo phương Tây có bẳng chứng về những hoạt động bí mật này của Huawei.
Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao phương Tây đưa ra lời cáo buộc công khai, trực diện về nghi vấn Huawei làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, trước đó, đã có một số quan chức Mỹ đã cảnh báo gián tiếp về những mối nguy hại mà tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc này gây ra với an ninh quốc gia Mỹ.
Huawei bị cáo buộc làm gián điệp cho quân đội và chính phủ Trung Quốc
Sau cuộc điều tra kéo dài gần 1 năm về tập đoàn Huawei do những lo ngại về vấn đề gián điệp và an ninh mạng, năm 2012, Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ đã đưa ra cảnh báo rằng Huawei là mối đe dọa an ninh Mỹ. Mặc dù Huawei thẳng thừng bác bỏ mọi cáo buộc, song theo ủy ban này, Huawei đã không hợp tác và cung cấp những thông tin cần thiết cho cuộc điều tra nhằm xóa tan nghi ngờ.
Báo cáo điều tra của ủy ban này cho biết, họ đã nhận được các tài liệu nội bộ của Huawei cho thấy công ty đã cung cấp "dịch vụ mạng đặc biệt cho một đơn vị được cho là thuộc về lực lượng tiến hành chiến tranh mạng rất tinh nhuệ" của quân đội Trung Quốc.
Cũng theo bản báo cáo, đã có nhiều trường hợp bất thường xảy ra tại các công ty Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei, trong đó có việc một số lượng lớn dữ liệu đã được chuyển về Trung Quốc vào ban đêm.
Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers khẳng định: “Chúng ta không thể tin tưởng giao các hệ thống quan trọng cho những công ty có quan hệ mật thiết với Chính phủ Trung Quốc. Mà Trung Quốc là thủ phạm tấn công mạng lớn nhất nhắm vào Mỹ”.
Thậm chí, cựu chuyên gia phân tích công nghệ nước ngoài của chính phủ Mỹ Jim Lewis còn nhận định, nếu Trung Quốc yêu cầu Huawei thực hiện các hoạt động gián điệp ở Mỹ thì tập đoàn này cũng "khó có thể từ chối được".
Trước đó, năm 2010, 8 nghị sĩ thuộc Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ cũng gửi thư tới chính phủ, kiến nghị phản đối nhà mạng lớn thứ ba nước Mỹ Sprint Nextel kí kết hợp đồng trị giá khoảng 8,5 tỉ USD về cung cấp thiết bị mạng trong dự án xây dựng mạng 4G LTE, bởi họ nghi ngờ rẳng, rất có thể, quân đội Trung Quốc sẽ thông qua các thiết bị của Huawei để chặn hoạt động thông tin liên lạc của Mỹ trong trường hợp cần thiết.
Áp dụng “ngoại lệ về an ninh” đối với Huawei
Trước những mối đe dọa này, hàng loạt quốc gia đã “tẩy chay” những sản phẩm, thiết bị của Huawei cũng như sự tham gia của nó vào các dự án quốc gia.
Tháng 4/2013, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật yêu cầu các cơ quan chính phủ không được phép sử dụng các thiết bị công nghệ do các công ty được “sở hữu, chỉ đạo hoặc tài trợ bởi Trung Quốc” “sản xuất, chế tạo, lắp ráp” nếu không được sự cho phép của cơ quan thực thi pháp luật liên bang. Mục tiêu chính của đạo luật này được cho là nhằm vào Huawei và một công ty khác của Trung Quốc tên là ZTE.
Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ năm 2012 cũng đã ngăn chặn việc Huawei mua lại công ty máy tính Mỹ 3Leaf Systems sau những cảnh báo của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ rằng chính phủ và các công ty Mỹ không mua thiết bị do Huawei sản xuất, ngăn chặn mọi hợp đồng mua bán, sáp nhập của Huawei tại Mỹ.
Nhiều quốc gia đã tẩy chay các sản phẩm của Huawei vì những lo ngại về an ninh.
Về phần mình, năm 2011, chính phủ Úc đã ban hành lệnh cấm sử dụng các thiết bị của Huawei cho Hệ thống Băng thông Rộng Quốc gia Úc (NBN) và thông báo tới công ty viễn thông này việc sẽ ngăn chặn nó tham dự đấu thầu dự án xây dựng đường truyền băng thông rộng trị giá gần 38 tỉ USD.
Sau 1 năm tham vấn cơ quan Tình báo Úc, chính phủ Úc đã chính thức ra lệnh cấm tham dự đối với Huawei. Thủ tướng Úc khi đó là bà Julia Gillard khẳng định “đây là một biện pháp phòng ngừa” nguy cơ tấn công mạng từ Trung Quốc.
Tháng 10/2012, trong tuyên bố về việc xây dựng mạng thông tin siêu bảo mật của chính phủ Canada, ông Andrew MacDougall, phát ngôn viên của Thủ tướng Stephen Harper cho biết: "Chính phủ sẽ quyết định cẩn trọng... Đây là một ngoại lệ về an ninh quốc gia nên không vi phạm nghĩa vụ thương mại quốc tế". Điều này đồng nghĩa với việc loại Huawei bị loại ra khỏi danh sách những đối tác của dự án.
Mặc dù phải phụ thuộc vào Huawei khá nhiều trong việc phát triển ngành viễn thông, song Ấn Độ cũng đã có nhiều động thái cứng rắn đối với hãng công nghệ này trước lo ngại về những mối đe dọa an ninh quốc gia.
Năm 2005, công ty điện thoại quốc doanh lớn nhất Ấn Độ Bharat Sanchar Nigam Limited (BSNL) đã hủy hợp đồng cung cấp 20 triệu điện thoại đi động mạng GSM với Huawei với lý do là Huawei đã ra điều kiện "không thể chấp nhận được". Tuy nhiên, quyết định này được cho là đã chịu tác động của Chính phủ sau khi BSNL được yêu cầu xem xét kĩ về tính an toàn an ninh mạng của các thiết bị nhập khẩu từ Huawei.
Năm 2009, 5 cán bộ cấp cao của BSNL đã bị Cục điều tra Trung ương Ấn Độ (CBI) phát hiện có mối quan hệ đáng ngờ với Huawei và dường như đã gây ảnh hưởng để Huawei tiếp tục 'làm ăn' trót lọt ở Ấn Độ. Ngay lập tức, Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ đã chỉ thị điều chuyển 2 trong số 5 người này sang làm việc tại lĩnh vực khác và giải trình về 3 trường hợp còn lại. Hợp đồng giữa 2 công ty này cũng bị buộc phải hủy bỏ.