Báo Ukraine đề cập chiến lược giúp Kiev giành Crimea từ Moscow

My Lan |

Kyiv Post đã đăng tải bài viết, trong đó nêu ra chiến lược mà theo giáo sư Thomas D. Grant, Ukraine có thể sử dụng để giành Crimea từ Nga.

Theo báo Ukraine Kyiv Post, ông Grant là giáo sư Đại học Cambridge (Anh), cố vấn pháp lý cho các chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nhiều vụ việc, bao gồm cả các vụ kiện tụng tại Tòa án Quốc tế.

Kyiv Post đã đăng tải những cách thức mà theo ông Grant, Ukraine có thể cân nhắc để lấy lại Crimea. Trong đó, cấm vận kinh tế chống lại Nga là một phần không thể thiểu.

Những cách thức này sẽ khiến việc đầu tư vào Crimea thông qua Moscow không còn hấp dẫn, bởi lợi nhuận có thể sẽ bị tịch thu tại tòa án của một trong những quốc gia áp đặt trừng phạt Nga.

Học giả Grant gợi ý, các hiệp định đầu tư song phương của Ukraine nên nhắm tới những nước không áp đặt trừng phạt Nga, ví dụ như Trung Quốc. Với riêng Bắc Kinh, ít nhất, Kiev nên xem xét các điều khoản của hiệp định.

Ba khiếu nại về Nga mà Ukraine gửi lên Tòa án Nhân quyền châu Âu, theo ông Grant, cũng sẽ có tác dụng trong một chiến lược rộng hơn.

"Tòa án Châu Âu là nơi tốt nhất nên tìm tới. Nhưng những gì Ukraine cần làm là xác định từng cơ chế pháp lý có thể giúp được cho mình".

Đồng thời, việc thúc đẩy để Tòa án Công lý Quốc tế vẽ lại biên giới phía nam Biển Đen có thể là một con đường khác, đẩy Nga vào thế bất lợi.

Năm 2009, Tòa án Công lý Quốc tế đã thiết lập ranh giới biển, phân cách khu vực thềm lục địa và các vùng đặc quyền kinh tế của Romania và Ukraine. Tuy nhiên, việc phân giới cắm mốc vẫn chưa được hoàn thành.

"Khó khăn duy nhất là đưa các quốc gia láng giềng - Romania và Bulgaria - tới bàn đàm phán".

Theo ông Grant, nếu Ukraine thành công, Nga, hoặc có thể sẽ đề nghị tham gia quá trình tố tụng, hoặc sẽ thua cuộc.

"Ít nhất thì tòa án cũng sẽ phải rất đau đầu, tuy nhiên... điều bạn có được sau cùng là một phán quyết, ngụ ý khẳng định Crimea thuộc Ukraine". Điều này đồng nghĩa với việc các tòa án ở Ukraine cũng sẽ có thẩm quyền ở Crimea và sẽ khiến cho việc đầu tư vào đây trở nên nguy hiểm.

Ông Grant nhận định, nếu tòa án Châu Âu đưa ra những phán quyết bất lợi với Nga thì Moscow nhiều khả năng sẽ lên tiếng chỉ trích, phản đối.

Tuy nhiên, rồi nó cũng sẽ có tác dụng bởi có thể vì thế mà Tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Gazprom hay các công ty khác sẽ bị đưa ra trọng tài quốc tế.

Thêm vào đó, theo ông này, cho dù Nga có từ chối tuân theo thì những quyết định đó vẫn sẽ tồn tại và tới một lúc nào đó, sẽ trở thành vấn đề rắc rối trong chính sách đối ngoại của Nga.

Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Pavlo Petrenko mới đây cho biết, Kiev đang ước tính thiệt hại Nga gây ra cho Ukraine sau khi sáp nhập Crimea, để kiện Nga ra các tòa án quốc tế.

Về phần mình, Nga luôn khẳng định việc sáp nhập Crimea là hoàn toàn đúng đắn, thuận theo lịch sử và mong muốn chính đáng của người dân ở đây.

Sau khi miền bắc Cộng hòa Síp bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng năm 1974, những người Síp gốc Hy Lạp bị chiếm đất đã tìm tới các tòa án ở Nam Síp, nơi mà ở đó, các phán quyết chống lại các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Bắc Síp đã được đưa ra.

"Các nhà đầu tư bàng hoàng khi phải trả một khoản tiền bồi thường lớn cho những chủ đất Hi Lạp".

Cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã đơn phương tuyên bố thành lập Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia tự xưng này đang bị thế giới cô lập về ngoại giao và chỉ còn duy nhất Ankara công nhận.

Tòa án Nhân quyền châu Âu đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bồi thường cho Cộng hòa Síp 124 triệu USD.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại