Quốc tế bình luận về cải tiến mới nhất của tổ hợp Bastion-P Việt Nam

Thùy Dung |

Sau khi Lữ đoàn 681 trực thuộc Vùng 2 Hải quân tổ chức diễn tập triển khai chiến đấu với Bastion-P, truyền thông nước ngoài đã dành sự quan tâm đến vũ khí này.

Bastion-P Việt Nam lên báo nước ngoài

Ngày 16/8, trên tạp chí Jane's, chuyên gia quân sự Mỹ Richard D Fisher cho biết, kênh truyền hình QPVN hôm 10/8 đã phát sóng phóng sự lực lượng Hải quân Việt Nam tổ chức diễn tập triển khai chiến đấu với hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P.

"Đài truyền hình QPVN đã chiếu cảnh hai bệ phóng di động K-340P của tổ hợp Bastion-P được cơ động bằng tàu đổ bộ nhỏ - một phần trong cuộc diễn tập triển khai hệ thống tên lửa chống hạm này", Jane's viết đồng thời cho biết thêm:

"Việc Việt Nam cơ động bệ phóng Bastion-P bằng tàu đổ bộ nhỏ chứng tỏ "họ có khả năng đưa Bastion-P tới các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam)".

 Quốc tế bình luận về cải tiến mới nhất của tổ hợp Bastion-P Việt Nam  - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion-P của Việt Nam

Trong khi đó, truyền thông Nga dẫn nguồn tin BQP Nga bình luận rằng: "... Hải quân Việt Nam đã tiến hành cuộc diễn tập triển khai tên lửa bờ K-300P Bastion-P trong khoa mục phản kháng một cuộc tấn công từ lực lượng đổ bộ của hải quân kẻ thù (giả định)".

"Điểm đặc biệt trong cuộc diễn tập này là Việt Nam đã cơ động Bastion-P bằng tàu đổ bộ nhỏ và triển khai hệ thống nhằm huấn luyện khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các binh sĩ.

Cuộc diễn tập nói trên dường như cho thấy khả năng chiến đấu cao trong tác chiến bờ biển của Việt Nam. Hải quân Việt Nam có thể cơ động dễ dàng Bastion-P tới các đảo nhỏ trên Biển Đông và triển khai để tiêu diệt kẻ thù", nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Trong khi đó, dù không nói về cuộc diễn tập của Việt Nam với hệ thống Bastion-P, nhưng hãng thông tấn TASS lại đăng tải thông tin cho rằng "sát thủ" Bastion-P của Việt Nam đã được tăng thêm khả năng chiến đấu sau khi Nga bàn giao hệ thống quản lý thông tin địa lý (GIS) Horizon.

"Chúng tôi vừa cung cấp hệ thống Horizon cho đối tác Việt Nam. Hệ thống này được thiết kế để hoạt động với tổ hợp tên lửa bờ biển Bastion và tổ hợp radar bờ Monolith-B", TASS dẫn nguồn tin từ người phát ngôn tổ hợp quân sự quốc phòng Nga.

Hệ thống Horizon do Viện nghiên cứu thiết bị tự động hóa V. S. Semenikhina thuộc tập đoàn Rostec (Nga) thiết kế. Horizon được trình làng lần đầu tại triển lãm MILEX-2014.

Trang web của tập đoàn Rostec cho biết, hệ thống Horizon có nhiều tính năng độc đáo về tốc độ xử lý, chất lượng hiển thị thông tin và có thể xử lý một số lượng lớn dữ liệu bản đồ.

Nguồn tin còn cho biết thêm, ngoài việc chuyển giao hệ thống Horizon, phía Nga còn chuyển thêm cho Việt Nam hệ thống radar cảnh giới đường không và mặt biển Monolith-B mà Quân đội Việt Nam đang được trang bị.

Sức mạnh cơ bắp

Hệ thống Bastion-P hiện Việt Nam đang sử dụng được thiết kế để tấn công tiêu diệt mọi mục tiêu trên biển bao gồm cả tàu sân bay. Hệ thống Bastion-P có khả năng cơ động cao, hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết, có khả năng kháng nhiễu mạnh, khai hỏa nhiều đạn tên lửa cùng lúc.

Bastion-P sử dụng tên lửa P-800 Yakhont nặng khoảng 3 tấn, dài 8,9 m, đường kính thân 0,7 m, sải cánh 1,7 m. Đạn tên lửa P-800 trang bị động cơ phản lực tĩnh dòng thẳng siêu âm cho phép đạt tốc độ Mach 2.

Với vận tốc cực lớn như vậy, đối phương rất khó phản ứng kịp thời và bị tiêu diệt bởi đầu đạn thuốc nổ bán xuyên giáp nặng 200 - 250kg.

Theo đánh giá của chuyên gia thế giới, với đầu đạn đó P-800 có khả năng tiêu diệt tàu chiến cỡ lớn chỉ bằng một phát bắn duy nhất. Tầm bắn của tên lửa P-800 phụ thuộc vào chế độ bay: bay quỹ đạo cao - thấp hỗn hợp cho phép đạt tầm bắn 300 km; bay quỹ đạo thấp - đạt tầm bắn 120 km.

Huấn luyện "5 sát thực" ở Lữ đoàn 681 Hải quân

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại