Oanh tạc cơ chiến lược hạt nhân tầm xa Tu-160 của Nga cất cánh từ sân bay đi làm nhiệm vụ tuần tra không phận Belarus. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Tổng thống Alexander Lukashenko cho hay, Belarus sẵn sàng trở thành nơi lưu trữ các loại vũ khí hạt nhân của Nga, trong trường hợp NATO di chuyển bom hạt nhân của Mỹ từ Đức sang Đông Âu.
Trong bài phỏng vấn với hãng thông tấn Rossiya Segodnya hôm 30/11, Tổng thống Lukashenko cho biết đây là lần đầu tiên, ông công nhận bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga và có kế hoạch sớm tới thăm nơi này.
Trong khi đó, Moscow đã tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào lãnh thổ Liên bang Nga từ năm 2014, bất chấp sự phản đối của phương Tây.
Tuyên bố của Tổng thống Lukashenko là động thái nhằm thắt chặt các mối quan hệ với Nga, đồng minh thân thiết và nhà tài trợ chính cho Belarus, giữa lúc căng thẳng giữa Belarus và phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Khi được hỏi về khả năng tái điều chuyển bom nguyên tử của Mỹ tới Đông Âu, nếu như chính phủ Đức không muốn lưu trữ số vũ khí này nữa, ông Lukashenko cho biết ông sẽ mời Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa vũ khí hạt nhân trở lại Belarus để lưu kho.
Trước đây, vũ khí hạt nhân của Liên Xô cũ từng được cất giữ ở Belarus. Sau khi Liên Xô cũ sụp đổ, số vũ khí này đã được rút khỏi Belarus.
"Tôi sẽ đề nghị Tổng thống Putin đưa vũ khí hạt nhân trở lại Belarus", ông Lukashenko nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Belarus không tiết lộ loại vũ khí hạt nhân nào của Nga mà quốc gia này sẽ tiếp nhận. Tổng thống Lukashenko cho biết thêm, Belarus vẫn bảo quản cẩn thận cơ sở hạ tầng quân sự cần thiết có từ thời Liên Xô cũ.
Phát biểu hồi đầu tháng 11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay quân đội phương Tây sẽ cần cân nhắc tái điều chuyển các loại vũ khí hạt nhân về phía đông, nếu như chính phủ Đức thay đổi chính sách chia sẻ hạt nhân.
"Dĩ nhiên, Đức có thể quyết định có để các loại vũ khí hạt nhân ở lại nước này hay không, nhưng chúng tôi có thể chuyển vũ khí hạt nhân tới các quốc gia khác ở châu Âu và thậm chí là phía đông Đức", ông Stoltenberg nói.
Về phần mình, Tổng thống Lukashenko đang thúc đẩy mối quan hệ thân thiết hơn với Nga, sau khi phương Tây và Mỹ phản đối kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 8/2020.
Thậm chí, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã ban hành nhiều lệnh trừng phạt với Belarus để phản đối ông Lukashenko nắm giữ chức vụ lãnh đạo nhiệm kỳ thứ 6.
Oanh tạc cơ chiến lược hạt nhân tầm xa Tu-160 của Nga cất cánh từ sân bay đi làm nhiệm vụ tuần tra không phận Belarus. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Căng thẳng giữa Belarus với EU và Mỹ càng gia tăng kể từ mùa hè năm nay, khi hàng ngàn người di cư và tị nạn tràn tới khu vực biên giới giáp với Ba Lan. EU cáo buộc Tổng thống Lukashenko dùng dòng người tị nạn và di cư để trả đũa các lệnh trừng phạt.
Theo EU, Belarus muốn người tị nạn tràn sang Ba Lan, Lithuania và Latvia để từ đó gây bất ổn cho toàn khối EU.
Dù phụ thuộc lớn và nguồn năng lượng giá rẻ cùng các khoản cho vay từ Nga, Tổng thống Lukashenko vẫn từ chối công nhận bán đảo Crimea thuộc lãnh thổ Liên bang Nga. Nhưng tới ngày 30/11, nhà lãnh đạo Lukashenko đã lên tiếng công nhận.
Trong những ngày gần đây, chính quyền Ukraine và phương Tây bày tỏ mối quan ngại lớn trước thông tin nghi ngờ Nga sắp tấn công Ukraine.
Hôm 30/11, Tổng thống Putin cũng đã lên tiếng cảnh báo NATO nên tránh điều động binh sĩ và vũ khí tới Ukraine. Ông Putin cho rằng hành động này có thể vượt qua giới hạn đỏ mà Nga đã vạch ra và buộc Moscow đưa ra phản ứng mạnh mẽ.
Bình luận về thông tin phương Tây lo ngại Nga có thể tấn công quân sự nhằm vào Ukraine, Tổng thống Putin cho hay Moscow cũng đang quan ngại về các cuộc tập trận của NATO gần biên giới Nga bao gồm cuộc diễn tập với sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược Mỹ.
“Các oanh tạc cơ chiến lược mang theo những loại vũ khí chính xác và có khả năng mang theo cả vũ khí hạt nhân từng bay cách lãnh thổ Nga 20 km. Hành động này chính là mối đe dọa đối với chúng tôi”, ông Putin cho biết.
Thậm chí, ông Putin cho rằng NATO có thể sử dụng lãnh thổ Ukraine để triển khai các loại tên lửa có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Nga chỉ trong vòng 5 phút.
Ông Putin nói thêm Nga buộc phải đối phó trước những mối đe dọa gia tăng bằng cách cho triển khai các loại vũ khí siêu thanh thế hệ mới.
“Chúng tôi nên làm gì ư? Chúng tôi sẽ cần phát triển cái gì đó tương tự để tấn công thứ đang đe dọa chúng tôi’, ông Putin nói.
Theo Tổng thống Putin, một tên lửa siêu thanh mới sắp được biên chế cho hải quân Nga vào đầu năm 2022 với năng lực tấn công các mục tiêu trong khoảng thời gian ngắn.
“Tên lửa sẽ chỉ cần 5 phút để tấn công các mục tiêu được yêu cầu”, ông Putin nhấn mạnh.
Tên lửa hành trình siêu thanh Zircon có tốc độ bay nhanh gấp 9 lần tốc độ âm thanh với tầm bắn 1.000 km đã trải qua hàng loạt cuộc thử nghiệm, mà gần nhất là hôm 29/11.
Khi được hỏi về năng lực hạt nhân của Trung Quốc, ông Putin cho hay Nga không lo lắng về điều này, bởi Moscow và Bắc Kinh có mối quan hệ mật thiết và đó là “yếu tố chính cho sự ổn định của toàn cầu”.