Thanh tra Sở Y tế TP HCM phối hợp cùng cơ quan chức năng quận Phú Nhuận kiểm tra đột xuất tại cơ sở khám, chữa bệnh của người tự xưng là "bác sĩ Hà Duy Thọ" chữa bệnh trên mạng xã hội.
Thanh tra sở đã yêu cầu ông Thọ ngưng ngay hoạt động khám, chữa bệnh, bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc khi chưa có giấy phép hoạt động; ngưng ngay quảng cáo liên quan hoạt động khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép và chưa có hồ sơ xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định.
Đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở Y tế TP HCM cùng cơ quan chức năng quận Phú Nhuận làm việc với 2 vợ chồng ông Hà Duy Thọ và bà Đặng Thị Tuyết Thu với hành vi khám chữa bệnh không giấy phép và bán sản phẩm không rõ nguồn gốc. (Ảnh: Thanh tra Sở Y tế TP HCM)
Song song đó, cơ quan này cũng đang tiếp tục xác lập hành vi của các cá nhân tại cơ sở này. Đồng thời, làm rõ nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm đang bán cho bệnh nhân và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Một tài khoản Tiktok đăng tải các clip có hình ảnh người tự nhận là "Bác sĩ Hà Duy Thọ". (Ảnh chụp màn hình).
Trao đổi với PV Báo Người Lao Động, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết quảng cáo trên mạng xã hội để chữa bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là hành vi trái pháp luật.
Căn cứ khoản 1 điều 9 Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quảng cáo quy định về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh như sau: "Nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải phù hợp với giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh".
Do đó, hành vi quảng cáo trên mạng xã hội để khám, chữa bệnh nhưng không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là hành vi vi phạm các quy định quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh.
Căn cứ khoản 3 điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, căn cứ khoản 5 điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, người thực hiện hành vi vi phạm trên còn buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo.
Đối với hành vi bán các sản phẩm, thuốc không rõ nguồn gốc cho bệnh nhân, đây là hành vi vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ điểm a khoản 6 điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được bán thuốc y học cổ truyền theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đối với hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, căn cứ khoản 6 điều 58 Nghị định 117/2020/NĐ-CP tùy theo giá trị hàng hóa mà hành vi mua, bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa có giấy phép nhập khẩu hoặc chưa có giấy đăng ký lưu hành có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 100 triệu đồng.
Căn cứ khoản 9 điều 58 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, người thực hiện hành vi bán thuốc chưa có giấy phép nhập khẩu hoặc chưa có giấy đăng ký lưu hành còn buộc phải tiêu hủy toàn bộ số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ngoài ra, trong trường hợp có căn cứ xác định số thuốc không rõ nguồn gốc là thuốc giả thì căn cứ điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015, người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh.
Tùy thuộc vào mức độ và tính chất mà mức phạt tù có thể từ 2 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.