Xuất khẩu Armata: Nga sẽ phân biệt đối xử Trung - Ấn?

Đỗ Phong |

Nhiều chuyên gia cho rằng Nga hoàn toàn có thể bán siêu xe tăng Armata cho Ấn Độ, nhưng sẽ là sai lầm tai hại nếu bán cho Trung Quốc.

Tham vọng của Trung Quốc

Ngay sau khi siêu xe tăng T-14 Armata trình làng trong lễ duyệt binh kỷ niệm ngày chiến thắng Phát xít của Nga, ngay lập tức đã có nhiều quốc gia bày tỏ khao khát muốn mua loại vũ khí này. Trong đó phải kể đến 2 cái tên đáng chú ý là Trung Quốc và Ấn Độ.

Tờ Wantchinatimes của Đài Loan (Trung Quốc) ngày 9/6 dẫn lại lời Vladimir Kozhin, trợ lý Tổng thống Nga phụ trách hợp tác kỹ thuật quân sự quốc tế của nước này cho biết, Bắc Kinh đã bày tỏ sự quan tâm mua xe tăng T-14 Armata do Nhà máy Ural chế tạo.

Tờ báo này cho rằng, không giống như các xe tăng Nga trước đây, T-14 có nhiều tính năng tương đồng với các xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây như loại M1A2 Mỹ và Leopard-2 Đức. Trung Quốc muốn có T-14 của Nga nhằm để tăng khả năng chiến đấu của lục quân.

Wantchinatimes phân tích, thực tế thì Trung Quốc với nguồn tiền dồi dào và khổng lồ có sẵn trong tay, luôn muốn mua mọi loại vũ khí tiên tiến của Nga, vấn đề chỉ nằm ở chỗ Moscow có sẵn sàng bán hay không.

T-14 Armata đang là nỗi khao khát của Trung Quốc

T-14 Armata đang là nỗi khao khát của Trung Quốc

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu bán T-14 Armata cho Bắc Kinh, Moscow sẽ đối diện với nguy cơ to lớn là mất hoàn toàn cơ hội duy trì sự độc quyền của loại vũ khí này bởi 100%, Bắc Kinh sẽ huy động toàn lực đội ngũ khoa học quốc phòng của họ để làm nhái T-14.

Wantchinatimes đưa ra dẫn chứng, đã có trường hợp tương tự khi từ một xe tăng T-72 mua của Romania, Trung Quốc đã có thể thiết kế loại xe tăng Type 99, được nước này sử dụng rộng rãi trong biên chế lục quân và thậm chí còn xuất khẩu ra bên ngoài.

Nga sẽ cân đong đo đếm

Ấn Độ cũng trở thành một trong những ứng viên muốn được sớm sở hữu loại xe tăng này. Tuy nhiên, New Dehli cũng trực tiếp khẳng định Armata nằm trong kế hoạch phát triển xe tăng chủ lực nội địa của nước này trong tương lai.

"Ấn Độ có kế hoạch phát triển xe tăng và xe chiến đấu bộ binh của chính mình, nếu ngân sách cho phép, chúng tôi có thể sẽ mua khung gầm Armata, hoặc ít nhất là một số bộ phận của chúng, để nghiên cứu và sử dụng cho mẫu xe tăng mới của chúng tôi".

Ông Samir Patil, một chuyên gia quốc phòng thuộc trung tâm phân tích Gateway House, Ấn Độ, cho biết.

"Tôi cho rằng, Ấn Độ muốn mua một nền tảng chiến đấu như vậy cho các lực lượng vũ trang của mình," chuyên gia Samir Patil cho biết. Ông cũng không loại trừ khả năng hợp tác với Nga để phát triển loại "xe tăng của tương lai" rất cần thiết này cho Ấn Độ.

"Nga là nước duy nhất mà Ấn Độ đang hợp tác phát triển vũ khí mới, trong đó có máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm PAK FA và máy bay vận tải đa năng...

Tôi nghĩ rằng một lý do khác mà chúng tôi muốn hợp tác phát triển xe tăng là sáng kiến 'Chế tạo tại Ấn Độ' do Thủ tướng Narendra Modi đề ra.

Mục tiêu chính của sáng kiến này là nhằm thu hút đầu tư vốn, công nghệ của nước ngoài tại Ấn Độ để nghiên cứu, phát triển và sản xuất chung", ông Patil nhấn mạnh.

Type 99 của Trung Quốc được nhái từ T-72

Type 99 của Trung Quốc được nhái từ T-72

Từ nhận xét này của chuyên gia quân sự người Ấn Độ, có thể khẳng định rằng Ấn Độ muốn công nghệ của Nga, nhưng chắc chắn là sự hợp tác sòng phẳng và không phải sao chép hay đánh cắp.

Nga - Ấn đã có tiền lệ hợp tác phát triển vũ khí với nhau, thậm chí những loại vũ khí mang tính chủ lực, xương sống cho quân đội Nga trong tương lai như máy bay thế hệ 5 PAK FA.

Sự cởi mở của Ấn Độ, lịch sử hợp tác giữa hai bên cho thấy Moscow hoàn toàn có khả năng trao cho quốc gia này cơ hội sở hữu những công nghệ từ Armata. Trong khi đó, khả năng này với Trung Quốc vẫn còn rất xa vời.

Một lý do khiến Nga không thể dễ dàng bán vũ khí cho Trung Quốc bởi họ không đủ niềm tin cho người láng giềng này. Một quan chức quốc phòng giấu tên của Nga từng phát biểu với Reuters:

"Nga luôn muốn xuất khẩu vũ khí của mình càng nhiều càng tốt, nhưng một khi đã bán cho Trung Quốc, chúng tôi phải nắm chắc rằng có những biện pháp khắc chế chính những vũ khí đó và đảm bảo có khả năng phát triển những loại vũ khí mạnh hơn."

Quan chức này nhấn mạnh: "Trung Quốc đang đi những bước đi khôn ngoan cho họ, nhưng khó chịu cho chính những nhà xuất khẩu. Tuy nhiên chạy đua công nghệ là một phần tất yếu của thị trường vũ khí."

Thực tế, Trung Quốc không khiến Nga yên tâm, bất chấp mối quan hệ giữa hai bên ngày càng tốt đẹp.

Bởi những yếu tố, biến cố trong lịch sử đã cho thấy rằng Bắc Kinh không phải là người láng giềng có thể tin tưởng hoàn toàn, bất chấp mối quan hệ có tốt như thế nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại