Nga hiện có khoảng 15.000 xe tăng, nhiều hơn bất kì nước nào trên thế giới, nhưng phần lớn trong số này là các phiên bản T-72 và T-80.
Các mẫu xe tăng này có một số điểm hạn chế, bị cho là những “cái bẫy chết người”: Nếu hỏa lực của đối phương nhằm trúng tháp pháo cũng là khoang lái thì thường gây nổ các quả đạn ở trong, giết chết cả kíp chiến đấu.
Dưới thời của Tổng thống Vladimir Putin, quân đội Nga đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa theo hướng chuyên nghiệp.
Riêng đối với xe tăng thì ưu tiên đặt ra là bảo đảm tính mạng cho kíp vận hành, điều khiển hỏa lực. Phiên bản mới nhất Armata hội tụ được yêu cầu này: Tháp pháo nằm riêng rẽ với khoang lái.
So sánh với các loại xe tăng khác của phương Tây như M1 Abrams (Mỹ), Challenger (Anh), Leclerc (Pháp) hay Leopard 2 (Đức), Armata của Nga như là phi thuyền. Cấu tạo các mạng điều khiển được cho là phức tạp, gây khó cho kíp chiến đấu trong vận hành, tác chiến.
Tại buổi hợp luyện cho lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng, một chiếc Armata đã “chết máy”, phải chờ một lái xe giàu kinh nghiệm từ Uralvagonzavod, hãng chế tạo loại vũ khí này, tới hiện trường thì xe tăng mới di chuyển tiếp được.
Tập đoàn công nghiệp phương Bắc (Norinco) của Trung Quốc, nhà sản xuất của loại xe tăng VT-4 mới đây đã “tận dụng” sự cố trên để quảng bá về sản phẩm của mình.
Trong một bình luận được đăng tải trên mạng, Norinco nói rằng “bộ truyền lực của Armata không hoàn thiện, như những gì chúng ta được chứng kiến trong buổi tổng duyệt. VT-4 chưa bao giờ gặp những vấn đề như vậy”.
Theo quảng bá của Norinco, “nếu một khách hàng quốc tế muốn mua xe tăng mới, họ chỉ có hai sự lựa chọn – hoặc của Nga, hoặc của Trung Quốc”.
Lý do là bởi các mẫu cùng loại của phương Tây dù đã được cải tiến, trang bị các thiết bị điện tử hiện đại, thì phiên bản nền tảng cũng đã xuất hiện từ nhiều thập kỉ qua.
Chủng loại hoàn toàn mới chỉ đếm trên đầu ngón tay: Đó là chiếc K2 Black Panther (Hàn Quốc) mới được phiên chế hồi năm ngoái, chuẩn bị xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ và chiếc BM Oplot (Ukraine) được trình làng năm 2011 và mới đưa vào phiên chế trong quân đội nước này.
Sau khi Nga cho trình diễn siêu tăng Armata, xuất hiện nhiều lời dèm pha trên truyền thông Ukraine.
Có người nói rằng Armata là “cỗ quan tài di động”, một kênh truyền hình Ukraine thì cho phát chương trình xếp hạng xe tăng tốt nhất thế giới, với Oplot ở vị trí đứng đầu, còn Armata chỉ về thứ tư.
Quân đội Ukraine không triển khai Oplot tới miền Đông trong các chiến dịch quân sự nhằm đối phó với lượng ly khai tại đây.
Sergei Pinkas, thành viên ban điều hành Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí Ukraine (Ukroboronprom) - đơn vị sản xuất mẫu xe tăng này giải thích:
Xuất khẩu Oplot hiệu quả hơn đưa vào sử dụng trong chiến đấu. Khoản tiền 4,9 triệu USD từ một chiếc Oplot xuất khẩu sẽ dư sức để sửa chữa, hiện đại hóa 10 chiếc T-64.
Về phần mình, Norinco hiện đã tìm kiếm được các đối tác tiềm năng như Cameroon và Pakistan cho sản phẩm VT-4.
Loại xe tăng này có giá thành cạnh tranh, 3 triệu USD/chiếc, chỉ bằng một nửa so với chiếc M1 Abrams của Mỹ. Armata được dự tính có giá xuất khẩu tầm 7,8 triệu USD.
Chưa thấy xuất hiện các khách hàng chính thức đối với Armata, một phần là bởi giá thành cao và Nga ưu tiên đáp ứng cho nhu cầu quân đội trước hết, các đơn hàng xuất khẩu chỉ có thể được thực hiện sau năm 2020.