Tuy nhiên, lực lượng tàu ngầm trên thế giới, đặc biệt ở châu Á, đang có sự chuyển hướng mạnh về công nghệ khi trang bị động cơ AIP để có thể hoạt động lâu ngày hơn dưới mặt nước, nâng cao yếu tố bí mật và bất ngờ trong tác chiến.
Công nghệ AIP - Động cơ đẩy bí mật cho tàu ngầm
AIP là viết tắt của cụm từ Air Independent Propulsion, nghĩa là động cơ đẩy không phụ thuộc vào không khí từ bên ngoài. Khi được trang bị động cơ này, tàu ngầm có thể hoạt động mà không cần sử dụng oxy lấy từ không khí bên ngoài.
Tàu ngầm lớp Lada Project 677 của Nga dùng động cơ AIP. Ảnh: Getty
Trước đây, các tàu ngầm SSK chạy bằng ắc quy để có độ ồn thấp, bảo đảm bí mật. Nhưng chúng lại có điểm yếu, đó là thời gian hoạt động liên tục dưới lòng biển ngắn, phải thường xuyên nổi lên lấy oxy, chạy máy phát điện, sạc ắc quy.
Điều đó cực kỳ nguy hiểm, dễ bị đối phương phát hiện và truy kích, tiêu diệt. Nhiều loại tàu ngầm không có công nghệ AIP cố gắng khắc phục hạn chế bằng cách không nổi lên, mà chỉ nạp không khí qua ống thở phi kim loại.
Nhưng điều này cũng không giúp được gì nhiều, bởi khi nổi lên gần mặt biển, tàu ngầm sẽ bộc lộ tín hiệu.
Đổi lại, những tàu ngầm động cơ AIP có tính năng vận động rất mạnh, không cần nổi lên lấy không khí. Tiêu biểu như tàu ngầm Lyra Project 705 (Liên Xô), có thể vận động dưới biển với vận tốc 76 km/h và lặn sâu đến 600 m.
Tuy nhiên, một điểm cũng cần đề cập đến, đó là đa số các động cơ AIP (trừ động cơ sử dụng lò phản ứng hạt nhân) chưa thể coi là nguồn động lực chính cho tàu ngầm.
Ví dụ như, trong khi tàu ngầm Kilo cải tiến Project 636 có công suất 5.900 mã lực thì tàu ngầm Lada Project 677 (được cải tiến từ Project 636 với động cơ AIP) chỉ có công suất 2.700 mã lực. Việc giữ được bí mật mà vẫn bảo đảm tính năng vận động là một bài toán nan giải.
Cuộc chạy đua công nghệ AIP của các quốc gia
Hiện nay, các quốc gia có công nghệ đóng tàu ngầm hàng đầu thế giới vẫn đang nỗ lực phát triển giải pháp động lực AIP để nâng cao khả năng tác chiến cho các tàu ngầm.
Tuy nhiên, theo nhận xét của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), xu hướng sử dụng công nghệ AIP ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Thời gian lặn sâu dưới mặt nước biển của tàu ngầm SSK thông thường kéo dài từ 5 - 10 ngày. Nếu sử dụng công nghệ AIP, thời gian lặn có thể được kéo dài thêm hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
Ưu điểm này có thể giúp tàu ngầm hoạt động lâu ngày hơn dưới mặt nước biển và chủ động triển khai các kế hoạch tác chiến.
Mười năm trước, ở châu Á - Thái Bình Dương, mới chỉ có một tàu ngầm sử dụng công nghệ động cơ AIP. Đó là một tàu ngầm huấn luyện được cải tiến của Nhật Bản.
Nhưng đến năm 2015, hơn một nửa số tàu ngầm SSK sử dụng công nghệ AIP trên toàn thế giới là thuộc về khu vực này. Trong đó, Trung Quốc có 12 chiếc, Nhật Bản có 6 chiếc, Hàn Quốc có 4 chiếc và Singapore có 2 chiếc.
Mặc dù hiện mới chỉ chiếm khoảng 16% trong tổng số 150 tàu ngầm SSK ở châu Á, song có nhiều dấu hiệu chứng tỏ công nghệ AIP đang ngày càng được các nước quan tâm sử dụng.
IISS dự báo, số lượng tàu ngầm SSK sử dụng công nghệ AIP ở châu Á sẽ tăng gấp đôi trong khoảng 5 năm tới.
IISS cho rằng, mặc dù vấn đề chi phí vẫn là trở ngại lớn, nhưng công nghệ động cơ AIP có thể tạo điều kiện cho tàu ngầm phát huy hiệu quả khi lặn sâu và lâu dưới mặt nước biển, giúp thực hiện chiến lược chống tiếp cận/xâm nhập khu vực trên đại dương.
Bên cạnh đó, công nghệ AIP cũng thu hẹp khoảng cách giữa tàu ngầm SSK và tàu ngầm hạt nhân ở một số góc độ khác nhau.
Tại châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là 4 nước đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ AIP vào các tàu ngầm SSK. Những nước này vẫn đang thúc đẩy kế hoạch phát triển hạm đội tàu ngầm SSK sử dụng công nghệ AIP từ nay đến năm 2020.
Về dài hạn, các nước khác trong khu vực cũng tìm cách có được công nghệ AIP cho tàu ngầm. Ví dụ, Ấn Độ dự kiến sẽ trang bị công nghệ AIP cho 2 tàu ngầm lớp Scorpene mà họ có được giấy phép chế tạo từ Pháp.
Trong khi đó, Pháp, Đức và Nhật Bản đang cạnh tranh để cung cấp mẫu thiết kế mới thay thế tàu ngầm lớp Collins của Australia với những lựa chọn sử dụng công nghệ AIP.