Xót xa trước "nghĩa địa xe tăng" của quân đội Ukraine

Minh Thu |

Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chiếc xe tăng T-64, T-72 ở Ukraine bị bỏ rơi ở các bãi chứa ngoài trời, đang nằm chờ thời để được sửa chữa, tái sử dụng. Tránh phải mất chi phí bảo dưỡng, Kiev còn không ngần ngại bán rẻ số xe tăng này để mua vũ khí mới.

"Nghĩa địa xe tăng" của chính phủ Ukraine lên tới hàng chục, hàng trăm chiếc nằm trên một khoảng rộng đất lớn. Qua thời gian, chúng đã bị hư hỏng và gỉ sét gần như toàn bộ thậm chí, cỏ còn mọc um tùm bao phủ.

Đa số những chiếc xe tăng bị bỏ lại ngoài trời phần lớn là T-64, thế hệ xe tăng vang danh dưới thời Liên Xô cũ và hiện vẫn đang nắm vai trò trụ cột trong lực lượng quân đội Ukraine cùng xe tăng T-62 và T-72.

Câu chuyện về số phận của những chiếc xe tăng này xuất phát từ cuộc chiến tranh ở miền đông Ukraine, sự lãng phí và tham nhũng.


Xe tăng T-72 của quân đội chính phủ Ukraine

Xe tăng T-72 của quân đội chính phủ Ukraine

Bán rẻ để không mất công bảo dưỡng

Vào cuối thập niên 80 - thời điểm Chiến tranh Lạnh vẫn đang tiếp diễn, Liên Xô cũ sở hữu khoảng 53.000 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực.

Tới cuối năm 1991, các nhà máy sản xuất xe tăng Liên Xô cũ vẫn cho ra đời hàng ngàn chiếc mỗi năm. Ngay cả nhà máy xe tăng Malyshev ở Kharkov thuộc Ukraine cũng đã chế tạo 800 chiếc xe tăng vào năm 1991.

Khi cuộc chiến tại miền đông Ukraine giữa quân chính phủ Kiev và phe nổi dậy bùng phát hồi tháng 3/2014, Kiev thừa nhận quân đội chính phủ đang thiếu hụt một lượng lớn xe tăng chiến đấu. Vậy những chiếc xe tăng cũ giờ ở đâu?

"Ukraine có khoảng 5.000 - 7.000 xe tăng sau khi Liên Xô cũ sụp đổ. Song khả năng, chính quyền Kiev đã cắt bỏ khoản kinh phí dùng để bảo trì số xe tăng này sau 25 năm.

Và hiện tại, chỉ còn 10 chiếc T-64 là còn có thể hoạt động", chuyên gia quân sự kiêm giám đốc công ty Defense Express, ông Serhiy Zhurets chia sẻ với tờ Kyiv Post của Ukraine.

Còn theo trang web GlobalSecurity.org, trong giai đoạn từ năm 1995 - 2014, số lượng xe tăng có thể hoạt động của quân đội chính phủ Ukraine đã giảm từ gần 5.000 chiếc xuống còn 1.100 chiếc.

Bộ Quốc phòng Canada ước tính, Kiev đã mất khoảng 1/4 tương đương 220 chiếc xe tăng do bị tịch thu hoặc bị phá hủy trong cuộc chiến tại miền đông hồi tháng 8/2014.

Số lượng xe tăng còn lại cũng đã bị thiệt hại trong những cuộc giao tranh ác liệt với phe nổi dậy miền đông Ukraine sau này.

Do chi phí bảo trì cao, Ukraine còn sẵn sàng bán hạ giá hoặc bỏ rơi toàn bộ lực lượng xe tăng mà phần lớn là các xe tăng hiện đại T-72. Trong đó, ít nhất 1.000 chiếc T-72 đã bị đưa ra các bãi chứa ngoài trời và khả năng là không bao giờ được tái sử dụng.

Cũng chính vì bán rẻ hàng trăm chiếc xe tăng hiện đại cho thị trường vũ khí thế giới, Ukraine đã trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ 9 thế giới trong giai đoạn 2010 - 2014.

Song, nạn tham nhũng đã làm lộ không ít bí mật quân sự từng chỉ do quân đội chính phủ Ukraine nắm bắt.

Theo Giám đốc Trung tâm Hòa bình, Chuyển đổi và Chính sách ngoại giao ở Kiev, ông Oleksandr Sushko, "xuất khẩu vũ khí từng là ngành công nghiệp được giữ bí mật nhiều nhất tại Ukraine bởi quân đội niêm phong toàn bộ con số thống kê".

Do đó, không ai khác ngoài quân đội Ukraine có thể biết chính xác vị trí của hàng ngàn chiếc xe tăng mà chính phủ Kiev nắm giữ sau khi Liên Xô cũ sụp đổ.


Hàng chục chiếc xe tăng T-64 bị bỏ hoang ngoài trời tại Nhà máy xe bọc thép Kiev

Hàng chục chiếc xe tăng T-64 bị bỏ hoang ngoài trời tại Nhà máy xe bọc thép Kiev

Hàng trăm chiếc xe tăng nằm "chờ thời"

Hiện tại, hàng trăm hoặc hàng ngàn chiếc xe tăng của quân đội chính phủ Ukraine đang bị bỏ mặc trên khắp đất nước như tại Nhà máy xe bọc thép Kiev.

Nhà máy này chuyên sản xuất các loại xe tăng và xe bọc thép chở quân cũng như phụ trách sửa chữa, bảo dưỡng số lượng xe tăng mà Ukraine có được sau khi giành được độc lập. Toàn bộ số xe tăng này được lưu trong kho của Bộ Quốc phòng.

Theo phó Giám đốc Nhà máy xe bọc thép Kiev, ông Volodymyr Voronin, cách dùng từ "bãi rác" hoặc "nghĩa địa xe tăng" là không hoàn toàn chính xác.

"Chúng tôi gọi đây là khu vực lưu trữ tài sản dư thừa của nhà nước. Số xe tăng này được thống kê cụ thể dù rằng thực tế trông chúng như một đống phế liệu bị bỏ hoang lâu ngày, khiến cây cỏ mọc um tùm", ông Voronin nói.

Ít nhất 350 chiếc xe tăng đang bị bỏ bên ngoài bãi chứa ngoài trời của nhà máy. Con số này tương đương với gần 1/3 số xe tăng chiến đấu hiện đang được quân chính phủ sử dụng.

Số lượng xe tăng để lại cho Ukraine sau khi Liên Xô cũ là quá lớn, trong khi chính phủ Kiev không đủ khả năng tài chính để bảo quản tốt các cỗ máy chiến tranh. Chi phí bảo dưỡng xe tăng để luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu vào khoảng 2.000 Hr/ngày.

Theo ông Voronin, đây là lý do khiến những chiếc xe tăng này vẫn phải đang nằm "chờ thời" để được đưa vào sửa chữa, tái sử dụng.

"Đơn giản, Ukraine không thể bảo dưỡng toàn bộ số xe tăng hiện có. Do đó, chúng tôi chỉ duy trì số lượng nhất định để thành lập lữ đoàn xe tăng. Số còn lại chúng tôi bán cho các nước châu Phi", ông Voronin chia sẻ.

Mặc dù các bãi chứa xe tăng đều được huy động lực lượng vũ trang bảo vệ nhưng bọn trẻ địa phương vẫn có thể trèo qua hàng rào để chơi đùa trên những cỗ máy chiến tranh bị bỏ hoang.

Thậm chí, không ít người vô gia cư còn vào bãi chứa để lấy cắp những bộ phận có giá trị trên xe tăng mang đi bán.

Tuy nhiên, khi cuộc chiến ở miền đông Ukraine bùng phát, Nhà máy xe bọc thép Kiev đã bắt đầu quá trình phục sinh cho nhiều chiếc xe tăng từng nằm ở bãi phế liệu.

Theo đó, lớp vỏ xe tăng được tân trang, hệ thống dây điện được thay thế hoặc sửa chữa và phần động cơ cùng vũ khí mới được lắp thêm.

Song theo ông Voronin, chi phí để sửa chữa những chiếc xe tăng cũ thậm chí còn đắt đỏ hơn cả việc mua xe tăng mới. Điển hình, Nhà máy xe tăng Malyshev của Ukraine đã cho ra đời nhiều thế hệ xe tăng mới như Oplot-M dựa trên mẫu tăng T-80 của Liên Xô cũ.

Phó chủ tịch Tập đoàn Xuất khẩu vũ khí Ukroboronprom của Ukraine, ông Serhiy Pinkas cho rằng xét về mặt kinh tế, việc bán xe tăng Opolot cho nước ngoài có lợi hơn. Khoản tiền này sau đó được dùng để cải tiến những chiếc T-64 cũ.

"Việc xuất khẩu xe tăng Oplot mang lại hiệu quả kinh tế nhiều hơn là sử dụng chúng trên chiến trường miền đông.

Số tiền 4,9 triệu USD thu được từ xuất khẩu xe tăng Oplot sẽ được sử dụng để sữa chữa hoặc hiện đại hóa 10 chiếc T-64", ông Pinkas chia sẻ với Bloomberg hồi tháng Sáu.

Trang web chính thức của Ukroboronprom cho hay tới cuối năm 2015, Nhà máy xe bọc thép Kiev sẽ sản xuất được số lượng xe tăng và thiết bị quân sự lớn gấp 4 lần so với năm 2014.

Giám đốc nhà máy, ông Vladyslav Lysytsya cho biết trong năm nay, nhà máy đã sản xuất được 25 chiếc xe tăng và 53 xe bọc thép chở quân.

Nội dung được hoàn thành qua tham khảo nguồn tin từ Kyiv Post, một tờ báo tiếng Anh của Ukraine. Kyiv Post được cho là tờ báo ủng hộ Ukraine hội nhập với phương Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại