Vũ khí nào khiến tàu chiến Mỹ "đi tong" nhiều nhất?

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Đó không phải là ngư lôi, pháo hạm, tên lửa chống hạm hay các vụ tấn công khủng bố.

Theo tạp chí Popular Science (PopSci) của Mỹ, loại vũ khí đã gây nhiều thiệt hại cho tàu chiến Hải quân Mỹ trong vòng 60 năm qua không phải là ngư lôi, pháo hạm, tên lửa chống hạm hay các vụ tấn công khủng bố, mà đó là thủy lôi (hay còn gọi là mìn hải quân). Kể từ chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, đã có 15 tàu chiến của Hải quân Mỹ bị đánh chìm hoặc phá hoại bởi thủy lôi, nhiều hơn 4 lần so với bất kì loại vũ khí nào khác.

Theo Popsci, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, mối đe dọa từ phía thủy lôi đã bị xem nhẹ hơn bởi những lo ngại về các loại tên lửa diệt tàu sân bay, ví dụ như tên lửa DF-21D của Trung Quốc, mặc dù loại tên lửa này chưa từng được sử dụng trong tác chiến, minh chứng duy nhất liên quan đến khả năng hoạt động hiệu quả của nó là một vài hố sâu xuất hiện bên cạnh mô hình tàu sân bay trên sa mạc Gobi, trong khi trên thực tế, không có gì khẳng định được những hố này đúng là do tên lửa tạo nên.

Có lẽ mìn hải quân đã trở thành một phần của đại dương từ lâu. Thủy lôi ra đời sau sự phát triển của thuốc súng vài trăm năm, một số ý kiến cho rằng người Trung Quốc đã xây dựng học thuyết về nó từ thế kỉ 14.

David Bushnell, nổi tiếng với việc sáng chế ra tàu ngầm Turtle, đã phát minh ra loại thủy lôi có khả năng tác chiến thực tế đầu tiên. Người Mỹ đã rải thủy lôi xuống sông Delaware với hy vọng tấn công các tàu của Anh.

Theo cuốn sách "Weapons that Wait", một cuộc điều tra của Viện Hải quân Mỹ nhận định phát minh của Bushnell được xem là khá trái với chuẩn mực thông thường.

Thủy lôi do Bushnell phát minh

Thủy lôi do Bushnell phát minh

Theo mô tả của Bộ chỉ huy Hệ thống Biển Hải quân (NAVSEA), những quả mìn hải quân của Bushnell là những thùng chứa bằng gỗ được gia cố chặt chẽ, chống thấm nước, bên trong được nhồi thuốc súng. Năm 1977, theo mệnh lệnh của Tướng Washington, Bushnell thả trôi một số thùng chứa đó nhằm phá hủy hạm đội tàu chiến của Anh neo đậu trên sông Delaware, ngoài khơi Philadelphia nhưng bất thành.

Báo cáo của một sinh viên trường Đại học Hải chiến (Naval War College) về các loại mìn có đề cập rằng trong những năm tiếp theo, thủy lôi được mô tả là một thiết bị “quỷ quái”, chỉ được “các quốc gia không hiệp nghĩa sử dụng”.

Chiến hạm đầu tiên bị một quả thủy lôi đánh chìm thành công là pháo hạm USS Cairo, con tàu đã mãi mãi nằm dưới đáy của dòng sông Yazoo năm 1862 khi đụng phải thủy lôi của phe miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ (1861-1865).

Sang thế kỉ 20, thủy lôi cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến Nga-Nhật kéo dài 18 tháng. Thủy lôi của Nhật Bản đã đánh chìm soái hạm Petropavlovsk của Nga tại cảng Arthur và phá hủy nặng nề một tàu chiến khác, trong khi đó người Nga cũng dùng thủy lôi và hạ được 2 tàu của Nhật Bản.

Ảnh vẽ mô phỏng soái hạm soái hạm Petropavlovsk của Nga bị chìm

Ảnh vẽ mô tả soái hạm soái hạm Petropavlovsk của Nga bị chìm

Trong suốt chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, thủy lôi ngày càng trở nên có sức mạnh và thông minh hơn, các lực lượng hải quân buộc phải học cách thức đối phó với các loại thủy lôi vốn ngày càng phức tạp này.

Các tàu U-Boat của Đức đã rải 327 quả thủy lôi ngoài khơi bờ biển Bắc Mỹ, từ Nova Scotia cho tới Mississippi trong một nỗ lực khá thành công nhằm phá vỡ hoạt động của Mỹ và Canada khi muốn tái chuyển quân đến châu Âu. Theo một báo cáo của Hải quân Mỹ, quân Đức “đã bao vây một số cảng trong tổng cộng 40 ngày và đánh chìm hoặc gây thiệt hại cho 11 tàu chiến”.

Nước Mỹ cũng tiến hành chiến dịch rải mìn quy mô lớn trong chiến tranh thế giới thứ hai với 25.000 quả thủy lôi để phong tỏa các tuyến thương mại của Nhật Bản năm 1945, kết quả là đã đánh chìm được 50 tàu của Nhật Bản và ngăn chặn được phần lớn việc vận chuyển hàng hóa tới quốc gia này cho tới kết thúc cuộc chiến tranh.

Hải quân Mỹ đã nhanh chóng quên đi những bài học về thủy lôi trong chiến tranh thế giới thứ hai và cắt giảm lực lượng quét mình một cách nhanh chóng. 5 năm sau đó, họ đã phải hối tiếc khi lực lượng đổ bộ gồm 250 tàu của Liên Hợp Quốc bị chặn đứng ngoài khơi bờ biển Wonsan do thủy lôi của Triều Tiên.

Nói về sự kiện này, Đô đốc Allen E. “Hoke” Smith, chỉ huy lực lượng khi đó cho hay: “Chúng tôi đã bị mất quyền kiểm soát đối với các vùng biển vào tay một quốc gia không có hải quân, sử dụng vũ khí duy nhất từ thời tiền thế chiến thứ nhất".

Việc Triều Tiên sử dụng các loại mìn năm 1950 cũng là một ví dụ điển hình tại sao thủy lôi lại trở nên quan trọng trong chiến tranh hải quân. Đến nay, mặc dù tên lửa dẫn đường đang là vũ khí tiên tiến để tấn công tàu chiến, nhưng thủy lôi và ngư lôi vẫn đóng vai trò quan trọng trong kho vũ khí của hải quân các nước.

HMS Barham bị chìm sau khi trúng phải thủy lôi (1941)

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại