VN sẽ đóng thêm 4 tàu Molniya phiên bản mới: Luôn và ngay!

Bình Nguyên |

Cặp tàu tên lửa tấn công nhanh thứ 3 (chiếc số 5 và 6) thuộc lớp Molniya đang được Tổng công ty Ba Son gấp rút hoàn thiện để bàn giao cho Quân chủng Hải quân vào giữa năm nay.

Làm chủ công nghệ đóng 6 tàu Molniya, tiết kiệm 300 tỷ đồng

Thành công nối tiếp thành công, khi liên tiếp các cặp tàu tên lửa tấn công nhanh hết sức hiện đại thuộc lớp Molniya được Tổng công ty Ba Son bàn giao cho Quân chủng Hải quân đưa vào sử dụng để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Nếu như cặp tàu đầu tiên cần có thời gian hoàn thiện quy trình công nghệ và được triển khai một cách vững chắc, thì từ cặp tàu thứ 2 trở đi, Tổng công ty Ba Son đã vươn lên làm chủ công nghệ, rút ngắn tiến độ một cách đáng kể.

Chỉ sau chưa tròn 1 năm kể từ ngày chính thức bàn giao cặp tàu Molniya đầu tiên (tháng 7 năm 2014), tháng 6 năm 2015, cặp tàu Molniya thứ 2 (các tàu M3, M4) tiếp tục được nghiệm thu, bàn giao cho Vùng 2 Hải quân.

Tất cả các tàu và kíp thủy thủ đều thực hành bắn tên lửa diệt mục tiêu, đảm bảo an toàn trong quá trình chạy thử, nghiệm thu kỹ thuật.


Tàu tên lửa tấn công nhanh Moliniya số hiệu 378 mới được bàn giao cho Quân chủng Hải quân tháng 6/2015.

Tàu tên lửa tấn công nhanh Moliniya số hiệu 378 mới được bàn giao cho Quân chủng Hải quân tháng 6/2015.

Theo báo QĐND, qua thực tế thi công đóng mới các tàu Molniya, đội ngũ kỹ sư, thợ kỹ thuật của Ba Son đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước tới 300 tỷ đồng.

Một trong những điều thú vị là, chính những người lính đầy sáng tạo của Ba Son đã đề xuất kế hoạch, được sự nhất trí cao của chuyên gia nước bạn, để thử nghiệm thu 2 tàu Molniya cùng lúc, vừa thử đối hải, vừa thử đối không.

Nhờ đó, đã rút gọn được số lần đưa tàu ra biển thử nghiệm chỉ còn 4 lần, bằng 1/4 so với quy trình thông thường. Mỗi chuyến như vậy sẽ tốn kém khoảng 300 triệu đồng.

Bạn hãy thử hình dung, 300 tỷ đồng tương đương với khoảng gần 15 triệu USD, một số tiền rất lớn, thừa đủ để mua 1 cơ số tên lửa đối hạm (16 quả) và tên lửa phòng không tầm thấp Igla trang bị cho 1 con tàu loại này.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, quan trọng là Ba Son đã làm chủ được công nghệ, nhất là công nghệ đóng tổng đoạn và tự động hóa công nghệ hàn ti-tan, những công đoạn khó nhất, góp phần rút ngắn thời gian thi công và đảm bảo chất lượng cao nhất cho từng con tàu.


Chuẩn bị nghiệm thu cặp tàu M3, M4.

Chuẩn bị nghiệm thu cặp tàu M3, M4.

Chắc chắn sẽ đóng tiếp loạt tàu Molniya hiện đại hơn

Báo QĐND số ra ngày 24/07/2015 đã khẳng định, qua việc nghiệm thu và bàn giao cho Quân chủng Hải quân 2 cặp tàu tên lửa hiện đại, những người thợ Ba Son tích lũy nhiều kinh nghiệm, tự tin tiếp tục đóng loạt tàu M còn lại.

Trước đó, Tập đoàn Vympel (Nga) ngày 29/6, hãng này hy vọng sớm ký hợp đồng để Việt Nam đóng thêm 4 tàu Molniya với trang bị mới.

Như vậy, chắc chắn sau khi hoàn thành cặp tàu Molniya thứ 3 (chiếc số 5 & 6), Tổng công ty Ba Son tiếp tục được tín nhiệm giao đóng mới loạt tàu tên lửa tấn công nhanh hiện đại hơn.

Theo hợp đồng chuyển giao công nghệ đã ký với Nga trị giá lên tới 1 tỷ USD, Việt nam sẽ tự đóng tất cả 10 tàu tên lửa lớp Molniya tất cả. Trong đó, giai đoạn 1 là 6 tàu và giai đoạn 2 là 4 tàu với cấu hình hiện đại hơn.

Bên cạnh đó, Hải quân Việt Nam cũng tiếp nhận 2 tàu lớp này được đóng tại Nga. Trong quá trình đóng mới các tàu ở Nga, đoàn cán bộ, công nhân của Tổng công ty Ba Son đã được học tập được khá nhiều công nghệ mới, phục vụ triển khai dự án đóng tàu ở trong nước.


Dàn vũ khí, khí tài của các tàu M tiếp theo sẽ là loại tiên tiến và uy lực hơn rất nhiều.

Dàn vũ khí, khí tài của các tàu M tiếp theo sẽ là loại tiên tiến và uy lực hơn rất nhiều.

Về vũ khí, chắc chắn các tàu Molniya tiếp theo sẽ mang tên lửa hành trình chống tàu hiện đại và uy lực hơn. TGĐ Cục Thiết kế Hải quân Trung ương Almaz, ông Alexander Shlyakhtenko cho biết loại vũ khí mới cho tàu tên lửa Molniya của Việt Nam có thể là Kalibr.

Đây là một trong những loại tên lửa hành trình đối hải tiên tiến nhất của Nga hiện nay. "Chúng tôi có thể nhanh chóng thay đổi thiết kế vũ khí trên các tàu tên lửa thuộc dự án này mà không cần dừng công việc sản xuất", ông Shlyakhtenko nói.

Trước đó, ông Belkov, TGĐ Nhà máy đóng tàu Vympel cho biết tại Triển lãm Hải quân và Hàng không quốc tế LIMA 2015 diễn ra ở Malaysia rằng, Việt Nam có thể sẽ ký hợp đồng đóng thêm 4 tàu tên lửa lớp Molniya nâng cấp.

"Phía Việt Nam muốn tiếp tục duy trì một chu trình chế tạo lớp tàu tên lửa Molniya, họ không muốn hủy bỏ những cơ sở đã có.".

Tóm lại, nếu triển khai ngay loạt 4 tàu Molniya tiếp theo sẽ hết sức thuận lợi. Bởi lẽ:

Thứ nhất, Việt Nam vẫn đang cần thêm nhiều tàu tên lửa nhỏ nhưng tốc độ cao, linh hoạt, có vũ khí - hỏa lực tương đối mạnh. Molniya là lựa chọn đáng giá, chúng sẽ là "tay dao, tay thớt" trên biển, sẵn sàng tung ra những đòn tiêu diệt.

Thứ hai, về con người và cơ sở vật chất sẵn có, nếu không làm ngay và luôn sẽ ít nhiều bị mai một về kỹ năng của những người thợ, cơ sở vật chất xuống cấp.

Khoảng cách từ khi tạm dừng dự án (sau khi bàn giao cặp tàu M5, M6) đến khi triển khai tiếp càng dài thì chi phí tái khởi động càng lớn.

Do vậy, rất có thể Việt Nam sẽ sớm triển khai đóng loạt tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya phiên bản mới, hiện đại và uy lực hơn, thậm chí là ngay trong năm 2017 tới đây.

Hiện chưa rõ các tàu này sẽ được đóng ở cơ sở mới của Ba Son ở khu vực Cái Mép - Thị Vải hay vẫn triển khai ở cơ sở hiện tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại